Krông Pa ngăn chặn việc dùng gỗ rừng sấy thuốc lá

Cập nhật 28/3/2017, 13:03:07

Thuốc lá là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện Krông Pa. Những năm qua, người dân trồng thuốc lá đã có một nguồn thu nhập rất lớn, nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Thế nhưng, cứ vào vụ thu hoạch, những cánh rừng tại Krông Pa lại đứng trước nguy cơ bị xâm hại để lấy củi sấy thuốc lá.

Xã Phú Cần là địa phương tập trung nhiều lò sấy thuốc lá nhất huyện Krông Pa. Ở đây, hầu như nhà nào cũng có lò sấy, nhà ít thì 1 lò, nhà nhiều thì 2 đến 3 lò. Để các lò sấy hoạt động, ngoài số củi điều, cà phê, cao su do người dân tận dụng hoặc thu mua từ các vườn điều, cà phê, cao su già cỗi được thanh lý thì vẫn còn tình trạng một số người dân lợi dụng trà trộn mua củi rừng tự nhiên không rõ nguồn gốc vào số củi được phép sử dụng, mặc dù ngay từ đầu vụ chính họ đã ký cam kết với xã và Hạt Kiểm lâm huyện là không sử dụng củi rừng tự nhiên không rõ nguồn gốc để sấy thuốc lá.

Ông Đào Ngọc Thiện, Thôn Binh Minh, xã Phú Cần, Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Hiện nay 1 lò sấy thường sử dụng hết 1 xe củi và phụ thuộc vào số lượng nhiều hay ít thuốc. Trước đây có sử dụng củi rừng nhưng nay chỉ sử dụng củi điều và cà phê, bình quân một nhà 1 vụ xài hết 25 triệu đồng tiền củi”.

Ông Nguyễn Khắc Dựng, Chủ tịch UBND xã Phú Cần, Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Thực hiện chủ trương của huyện và Hạt KL về nghiêm cấm người dân sử dụng củi rừng sấy thuốc lá vàng, chính quyền xã đã thường xuyên tuyên truyền đến các hộ dân để chấp hành. Hiện nay các hộ chủ yếu sấy bằng củi điều, cà phê, cao su. Xã cũng đã phối hợp với kiểm lâm địa bàn tăng cường kiểm tra và yêu cầu các hộ dân ký cam kết kông sử dụng củi rừng để sấy thuốc lá”.

Theo những người dân trồng thuốc lá cho biết, sấy 1 mẻ thuốc lá nếu lò to thì mỗi lần sấy hết 1 xe công nông củi, còn lò nhỏ thì 2 xe sấy được 3 lò. Do vậy, ngay từ trước Tết Nguyên đán, nhiều người đã bắt đầu tích trữ củi. Để thuốc lá có sắc vàng, đẹp, ngọn lửa phải đều nên củi rừng là sự lựa chọn số 1 để sấy thuốc, vì đốt rất đượm lửa và tiết kiệm được công sấy. Vì vậy, cứ vào vụ thu hoạch thuốc lá, sức ép khổng lồ của nhu cầu nguyên liệu sấy thuốc lá lại tiếp tục đổ xuống những cánh rừng.

Nói về vấn đề này ông Đinh Xuân Duyên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Năm nay diện tích thuốc lá của huyện khoảng 1600 ha nên việc sản xuất thuốc lá luôn gắn với việc dùng củi để sấy. Do đó, những năm trước đây việc sấy thuốc bằng củi rừng là có vì thời gian sấy bằng củi rừng nhiều hơn. Tuy nhiên những năm gần đây huyện đã tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn nên việc sự dụng củi rừng tự nhiên đã giảm đáng kể, những vẫn còn một số người dân lợi dụng để trà trộn củi rừng tự nhiên vào, các ngành chức năng của huyện vẫn chưa kiểm soát hết được”.

Huyện Krông Pa hiện có khoảng 1.600 ha thuốc lá với hơn 700 lò sấy. Đem con số này nhân với lượng củi dùng để sấy trung bình phải lên đến hàng vạn ster mỗi năm. Điều này đã gây không ít khó khăn cho ngành chức năng trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Cây thuốc lá mang lại lợi ích kinh tế cao, giúp người dân vùng “đất khát” Krông Pa cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, nó cũng khiến cho những cánh rừng ngày càng teo tóp khi người dân lấy củi làm chất đốt. Để giải quyết những hệ lụy đó, chính quyền và ngành chức năng địa phương cần sớm có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng nói trên.


Lượt xem: 90

Trả lời