Kông Chro triển khai các giải pháp phòng trừ sâu keo mùa thu đầu vụ bắp mới

Cập nhật 19/9/2019, 16:09:11

Được xem là cây trồng chủ lực giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thế nhưng vụ bắp vừa qua, sâu keo mùa thu bùng phát gây hại khiến cho hơn 2.300ha bắp tại huyện nghèo Kông Chro, tỉnh Gia Lai gần như mất trắng. Để chủ động phòng trừ sâu bệnh, ngay khi bước vào vụ bắp thứ 2 trong năm 2019, địa phương đã phối hợp các ngành chức năng liên quan triển khai nhiều giải pháp đến tận đồng ruộng, tập trung xử lý triệt để những mối nguy hại ngay từ ban đầu, không để sâu keo mùa thu lây lan ra diện rộng.

Những chiếc bẫy Pheramone, bẫy chua ngọt  đang được khảo nghiệm đặt tại nhiều ruộng bắp của bà con nông dân trên địa bàn huyện Kông Chro. Ngoài ưu điểm diệt trừ bướm gây hại của bẫy chua ngọt, bẫy Pheramone được đánh giá đem lại hiệu quả rõ rệt khi mà trung bình 2 ngày, cao điểm mỗi chiếc bẫy có thể bẫy được hơn 20 con bướm đực. Theo đánh giá của ngành chức năng, việc loại trừ bướm đực sẽ hạn chế quá trình giao phối với bướm cái, bởi chu kỳ sống của bướm khoảng 20 ngày. Và trong thời gian này, 1 con bướm cái có thể đẻ trứng từ 4 đến 5 lần, mỗi lần hơn 1.000 trứng.

Chị Ksor H’Krô – Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro, Gia Lai nói:   “Hiệu quả rất là tốt. Đang còn nhỏ nên là giai đoạn bướm đẻ trứng vào lá cây ngô nên khảo nghiệm bẫy Pheromone thấy rất tốt, hạn chế việc giao phối giữa bướm đực và bướm cái”.

Không chỉ diệt trừ bướm ngay tại đồng ruộng, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp người dân nắm được phương pháp xử lý ngay từ ban đầu khi phát hiện sâu keo mùa thu đã được ngành nông nghiệp huyện Kông Chro chú trọng triển khai. Nhờ đó mà đến thời điểm này, người dân không còn bỡ ngỡ và đã biết cách tự xử lý khi phát hiện sâu bệnh trên cây bắp.

Chị Trần Thị Thái – Thôn 7, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro, Gia Lai cho biết: “Bị sâu keo thì đã được hướng dẫn thì mình làm theo, mua thuốc đúng cách về phòng, phun hoặc bỏ trên ngọn, cố gắng làm cho hết sâu”.

Ông Huỳnh Văn Cư – PGĐ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro, Gia Lai  cho biết: “Cử cán bộ kỹ thuật đi nắm chắc tình hình, địa bàn cụ thể và chúng tôi trực tiếp hướng dẫn bà con xử lý để mà phòng trừ sâu keo đó. Tiếp tục khảo nghiệm một số thuốc hóa học và sinh học hoặc đặt một số bẫy Pheramone từ đó tìm ra các thuốc hiệu quả nhất để mà tiếp tục khuyến cáo cho bà con phòng ngừa hiệu quả trong vụ ngô thứ 2 này”.

Năm 2019, theo kế hoạch, huyện Kông Chro sẽ duy trì diện tích bắp ở mức hơn 10.000ha. Trong đó vụ 1 trồng mới 6.000 ha và vụ 2 hơn 4.000ha. Cho đến thời điểm này, vụ bắp thứ 2 trong năm, bà con nông dân đã phát triển được hơn 400 ha. Và với sự chủ động trong việc phòng trừ sâu keo mùa thu gây hại, huyện Kông Chro tin tưởng sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh hại trên cây bắp, không để lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, phát triển kinh tế của bà con nông dân.

Đoàn Bình, Thanh Sáng


Lượt xem: 50

Trả lời