Kông Chro tập trung đưa cánh đồng mía lớn về vùng dân tộc thiểu số

Cập nhật 31/3/2017, 14:03:55

 Năm 2017, huyện Kông Chro triển khai đưa cánh đồng mía lớn 200ha  vào thực hiện ở 7 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhằm giúp bà con xóa bỏ hình thức sản xuất lạc hậu, kém hiệu quả, hình thành thói quen áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào  sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hiện cánh đồng mía lớn trên địa bàn huyện đã xuống giống được hơn 220 ha, vượt kế hoạch đề ra.

Những năm trước đây gia đình anh Đinh Văn H Nốch, ở làng Hle KTu, thị trấn Kông Chro cũng trồng mía nhưng do cách làm thủ công, chi phí tăng cao nên mang lại thu nhập không đáng kể. Sau khi anh cùng bà con được tổ chức đi thăm quan một số mô hình cánh đồng mía mẫu lớn, được cán bộ tuyên truyền hướng dẫn, cuối năm 2016 gia đình anh Nốch đầu tư trồng 1,2 ha mía theo phương thức mới. Dự kiến sau khi thu hoạch sẽ thu lời gấp đôi so với cách trồng mía truyền thống.

Anh  HNốch cho biết: “Trồng cây mía so với cây khác nói chung cây mía thì vừa chăm sóc nhẹ nhàng vừa có hiệu quả kinh tế cho gia đình”.

Năm 2017, huyện Kông Chro triển khai thực hiện cánh đồng mía lớn 200ha trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để kịp thời vụ, từ cuối năm 2016, UBND huyện đã giao 7 xã: Kông Yang, Chơ Glong, An Trung, Chư Krey, Yang Nam, SRó và Đăk Kơ Ning, xây dựng kế hoạch, lập danh sách các hộ đăng ký tham gia trồng mía cánh đồng lớn, trên cơ sở đó các xã chủ động tổ chức cho các hộ dân ký hợp đồng trực tiếp với Nhà máy đường An Khê để triển khai trồng mía theo kế hoạch của huyện.

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho biết:   “Theo mô hình của cánh đồng lớn thì từ khâu chuẩn bị đất, trồng, chăm sóc thực hiện theo qui trình một cánh đồng lớn. Qui trình đó là cày sâu hơn, chăm sóc tốt hơn thì độ ẩm cao hơn nên độ nẫy mần tỷ lệ cao hơn và sinh trưởng hơn  là qui trình như hồi giờ. Như vậy thì chúng tôi hưởng lợi được từ đầu tư của Nhà máy đường về giống, phân bón, rồi kỹ thuật cải tạo đất, chăm sóc… đối với cấp chính quyền chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra để xem thử việc thực hiện hợp đồng của bà con như thế nào? để không ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng sau này”.

Đến nay, Nhà máy đường An Khê đã phối hợp với người dân huyện Kông Chro triển khai trồng được hơn 220 ha mía theo mô hình cánh đồng mía lớn. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học vào trồng mía nên tỷ lệ mía nẩy mầm cao, ít bị sâu bệnh, hiện nay cây mía sinh trưởng và phát triển khá tốt.

Với việc triển khai cánh đồng mía lớn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã giúp bà con xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu để dần tiếp cận với nền sản xuất tiên tiến, hiện đại, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Xuân Duẩn, Thanh Toàn


Lượt xem: 111

Trả lời