Kông Chro tăng cường công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Cập nhật 24/9/2019, 09:09:16

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Gia Lai chỉ còn huyện Kông Chro và Đak Pơ chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Chính vì vậy, để chủ động phòng ngừa, không cho dịch bùng phát, lây lan ra diện rộng, nhiều giải pháp đã được chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng tập trung triển khai. Phóng sự ghi nhận tại huyện Kông Chro.

Ngay sau khi xã giáp ranh Pờ Tó, huyện Ia Pa công bố dịch tả lợn châu Phi, huyện Kông Chro đã nhanh chóng thành lập chốt kiểm dịch động vật tại thời đặt tại làng Brư, xã Chơ Glong và huy động nhiều lực lượng cùng tham gia vào công tác phòng chống dịch.

Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, tất cả các phương tiện ra, vào địa phương đều được phun thuốc tiêu độc khử trùng như thế này và phải tuân thủ nghiêm các quy định mà lực lượng chức năng đề ra.

Anh Lê Quốc Sỹ – Huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định nói: “Từ khi có chốt  như thế này rất là tốt, góp phần ngăn ngừa bệnh lây lan”.

Anh Trần Xuân Chung – Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro, Gia Lai cho biết: “Tất cả 5 thành viên bao gồm: Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Công an huyện, Công an xã, Thú y xã và bên Trung tâm y tế huyện trực 24/24h. Có những trường hợp đột xuất thì thay cán bộ khác, đồng thời trực phun cả ngày, cả đêm”.

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro cho biết: Tổng đàn lợn tại địa phương hiện có hơn 12.500 con, riêng xã Chơ Glong có hơn 1.000 con. Để chủ động trong công tác phòng chống dịch, chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng đã đến từng hộ chăn nuôi tuyên truyền và hướng dẫn cách vệ sinh chuồng trại sao cho đảm bảo.

Ông Lê Văn Toán – Làng Brư, xã Chơ Glong, huyện Kông Chro, Gia Lai nói: “  Chuồng trại là vệ sinh hàng ngày, ngày là 3, 4 lần. Thuốc khử trùng mua về bỏ nhà, rồi mấy anh em cấp cho nữa về dùng, vệ sinh hàng ngày. Giờ dân mình nuôi được mấy con heo, phải phòng nếu không lỗ vốn”.

Ông Nguyễn Bá Tỵ – PGĐ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro, Gia Lai cho biết: “Hướng dẫn người dân tập trung chính vào công tác khử trùng chăn nuôi an toàn sinh học và khử trùng tiêu độc bằng hóa chất Pencodit hoặc vôi bột để đảm bảo cho bà con trong công tác phòng chống dịch bệnh”.

Dịch tả lợn châu Phi dẫu không lây sang người, thế nhưng nếu dịch bùng phát sẽ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho người chăn nuôi. Chính vì vậy, sự chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng ngừa là việc làm cần thiết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lây nhiễm dịch vào địa phương…/.

Đoàn Bình, Thanh Sáng


Lượt xem: 142

Trả lời