Kí ức của những người lính tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc

Cập nhật 17/8/2022, 13:08:12

Chiến tranh đã lùi xa, thế nhưng đối với những người lính từng tham gia chiến đấu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, ký ức thời chiến vẫn còn nguyên vẹn. Được gặp và nghe họ kể về những gian khổ, hy sinh đã từng trải qua trong các cuộc chiến đấu ác liệt để bảo vệ toàn vẹn non sông đất nước mới hiểu hơn những giá trị quý báu của hòa bình, độc lập.

Có thể nói, thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là tiền đề mở ra những thắng lợi khác trong các cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Tham gia kháng chiến chống Mỹ trong giai đoạn cuộc chiến đang diễn ra ác liệt nhất, cựu chiến binh Vũ Hồng Sáu vẫn còn nhớ như in những trận đánh mà ông đã từng tham gia trên chiến trường Tây Nguyên. Đó là chiến dịch Đăk Tô – Tân Cảnh năm 1972 – mở màn cho chiến dịch Bắc Tây Nguyên của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam; trận đánh giải phóng toàn bộ các huyện Chư Prông và Đức Cơ năm 1972 và chiến dịch giải phóng Buôn Ma Thuột để mở đầu cho chiến dịch Tây Nguyên… và nhiều trận đánh khác. Với mỗi trận đánh đã tham gia, ông cùng đồng đội đều giành thắng lợi góp phần giải phóng Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng để làm bàn đạp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Cựu chiến binh Vũ Hồng Sáu, Nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai cho biết: “Trong bốn, năm chiến dịch lớn đó, đánh nhau nhiều lắm, hy sinh nhiều lắm! Chính từ sự hy sinh quá nhiều, quá đắt như vậy thì đến bây giờ mình thấy một ngày hòa bình nó giá trị. Nó giá trị từng tiếng đồng hồ chứ không phải là hàng ngày nữa. Độc lập tự do của dân tộc mình là nó giá trị ở chỗ đó”.

Từ chính những mất mát, hy sinh đó, cũng như giá trị quý báu của độc lập, tự do, quân và dân Việt Nam đã cùng chung ý chí, một lòng đánh bại quân thù xâm lược, mang lại độc lập, tự do cho quê hương, dân tộc. Dù đã 47 năm trôi qua, song mỗi khi nhắc lại sự kiện lịch sử ngày 17-3-1975-Ngày giải phóng tỉnh Gia Lai, ông Lê Mạnh Hùng thuộc Tiểu đoàn Đặc công 408 như được sống lại trong thời khắc lịch sử khi ông làm nhiệm vụ cảnh giới cho đồng đội của mình trèo lên nóc Tòa Hành chính Ngụy giật lá cờ ba que của địch xuống và xé toang nó để thay vào đó là lá cờ Giải phóng, đánh dấu sự kiện giải phóng thị xã Pleiku.

Cựu chiến binh Lê Mạnh Hùng, Nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 408 nhớ lại: “Cắm bên này xong qua bên kia cắm thêm 1 cờ nữa. Cắm xong 2 lá cờ lên xong thì về báo với Tiểu đoàn là đã cắm xong 2 cờ trên Tòa Hành chính ngụy và trên Đại đội bảo vệ. Không khí lúc đó rất là vui. Dân người ta thấy cắm cờ giải phóng lên thì đầu tiên người ta chạy, sau đó thấy súng bắn lên trời thì biết là giải phóng nên họ ra vỗ tay vui mừng, hoan hô. Họ ùa ra tay bắt mặt mừng, rồi lúc đó người ta biết là quân cách mạng trẻ lắm, hiền lắm chứ không phải như địch tuyên truyền là thế này thế nọ…”

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông Việt Nam thu về một mối. Thế nhưng, bên kia biên giới, Nhân dân nước bạn Campuchia vẫn đang gồng mình để đấu tranh nhằm thoát khỏi nạn diệt chủng của chế độ độc tài Pol Pot. Trước tình cảnh đó, lực lượng quân tình nguyện Việt Nam, trong đó có cựu chiến binh Phạm Quốc Chính, khi ấy còn là học sinh đã xung phong lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam. Thời gian chống Pol Pot gian khổ, khốc liệt và đầy bi tráng. Nhưng chính nhờ quyết tâm giúp nhân dân nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng đã giúp ông cùng đồng đội vượt qua gian khổ để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Cựu chiến binh Phạm Quốc Chính, Nguyên chiến sĩ Đại đội Bộ binh 1, Thị đội Pleiku cũng nói: “Lúc đó thấy chế độ Pol Pot nó tàn ác quá nên chúng tôi đi theo tiếng gọi của Nhân dân Campuchia, giúp nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng. Đó là động lực lớn để chúng tôi lên đường và quyết tâm giành thắng lợi”

77 năm đã qua kể từ mùa Thu lịch sử năm 1945, Việt Nam nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng không ngừng chuyển động với diện mạo, sắc thái và sinh khí mới. Những kỉ vật của chiến tranh vẫn được những người cựu binh năm nào lưu giữ lại như một phần kí ức của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc nhằm nhắc nhớ thế hệ trẻ hôm nay đừng quên những trang sử hào hùng đã qua của dân tộc, để từ đó đóng góp tài năng, trí tuệ của mình vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

 Quốc Linh, R’Piên


Lượt xem: 26

Trả lời