Không khó để làm giàu trên vùng đất Kông Chro

Cập nhật 04/1/2024, 06:01:44

Thật khó để làm giàu nơi vùng đất thời tiết khí hậu khắc nghiệt như Kông Chro, đó là suy nghĩ trước đây của người dân nơi vùng đất ấy. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây Kông Chro đổi thay đến không ngờ khi những khó khăn, bất lợi về điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng lại trở thành lợi thế vì xây dựng được những mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Nhiều nông dân đã thành công khi thử nghiệm một số mô hình trồng cây ăn trái, từ đó mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất nông nghiệp, phá bỏ thế độc canh cây mì, cây mía trước đó. Làm giàu trên vùng đất khó Kông Chro – Câu chuyện tưởng chừng chỉ là mơ ước, nhưng giờ đây đã trở thành hiện thực của bà con nông dân nơi đây.

Sau nhiều năm gắn bó với cây mì, cây mía, thấy giá cả bấp bênh, thu nhập không ổn định nên gia đình ông Trịnh Văn Thường ở xã Kông Yang quyết định chuyển đổi sang trồng cây ăn trái. Đầu tiên là cây na, tiếp sau là nhãn và hiện tại chủ lực là giống nhãn T6 với quy mô 5ha và thêm 10 ha bạch đàn.

Ông Trịnh Văn Thường – Xã Kông Yang, huyện Kông Chro, Gia Lai chia sẻ: “Cây nhãn mới là cây bền vững bởi vì là cây cổ thụ, phát triển cả đời. Trước hết phát triển 100 cây nhãn, năm nay là năm thứ 8, năm vừa rồi là năm thứ 7 cho thu gần 6 tấn. Năm nay cây to hơn khả năng thu được nhiều hơn, từ đấy gia đình thấy cây nhãn là cây ổn định bền vững. Vì thế phát triển thêm, hiện nay phát triển gần 5ha, trên dưới 2 ngàn cây. Tôi thấy thời tiết ở đây tôi thấy rất là khắc nghiệt, nắng, gió, bụi và nắng thì nhiều, mưa thì ít nhưng tôi thấy cây nhãn phát triển quá đẹp, trái cho mùa đẹp, rất ngọt, gia đình quyết định đi sâu vào cây nhãn.”

Không chỉ mở rộng diện tích, ông Thường còn đầu tư về mặt chất lượng để tìm kiếm cơ hội đầu ra cho trái nhãn bằng cách phát triển thành sản phẩm OCOP và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Trịnh Văn Thường – Xã Kông Yang, huyện Kông Chro, Gia Lai cho biết: “Tôi thấy thời tiết ở đây tôi thấy rất là khắc nghiệt, nắng, gió, bụi và nắng thì nhiều, mưa thì ít nhưng tôi thấy cây nhãn phát triển quá đẹp, trái cho mùa đẹp, rất ngọt, gia đình quyết định đi sâu vào cây nhãn. Hiện nay cũng đã làm VietGap, được cấp OCOP 3 sao của tỉnh, đầu ra hiện nay có siêu thị, ở ngoài Bắc, tất cả các nơi đều có đầu ra, còn lại lái buôn cắt tại vườn nên đầu ra rất ổn định.”

Còn đây là mô hình trồng bưởi da xanh của nông hộ Lê Văn Bổn thuộc xã Đăk Kơ Ning – một trong những xã khó khăn của huyện Kông Chro. Đây là mô hình trồng bưởi đầu tiên của xã nên không có ai để học hỏi kinh nghiệm, các kỹ thuật chăm sóc cây trồng đều được vợ chồng anh Bổn học tập tận trong miền Nam, sau đó thực hành trên vườn cây của gia đình. Trải qua 6 năm vừa trồng vừa học hỏi kinh nghiệm, không ít lần nản chí muốn bỏ cuộc, nhưng vì vốn đầu tư ban đầu quá lớn, 5 ha với hơn 1000 cây, tính đến nay vợ chồng anh Bổn bỏ ra gần cả tỷ đồng – một số tiền không nhỏ với người nông dân nên vợ chồng anh động viên nhau cố gắng theo đuổi.

Năm nay là năm đầu tiên cho thu hoạch, thành quả lao động đã phần nào bù đắp bao khó khăn, vất vả trong suốt mấy năm qua và hiện tại vợ chồng anh Bổn mới yên tâm khẳng định Kông Chro phù hợp để trồng bưởi da xanh.

Ông Huỳnh Hữu Phong – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Kơ Ning, huyện Kông Chro, Gia Lai trao đổi: “Về mô hình trồng cây ăn trái nói chung và bưởi xa da xanh nói riêng, hiện tại đây là mô hình mới, hiện tại tới 2024 kết quả mang lại so với các cây khác thì mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Sắp tới xã sẽ vận động người dân phát triển mô hình này. Về đầu ra, xã cũng hỗ trợ tuyên truyền quảng bá sản phẩm ở các hội chợ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã giúp cho hộ có các chứng nhận để đi vào siêu thị và có một số cũng bán online.”

Na hay còn gọi là mãng cầu xiêm cũng là cây trồng được cho là phù hợp ở vùng đất Kông Chro nên nhiều hộ đã chọn cách trồng xen canh giữa na và nhãn. Ngoài ra, thanh long cũng là mô hình khá mới ở Kông Chro nhưng được nhận định rất phù hợp để phát triển thành cây hàng hóa.

Ông Bùi Xuân Cảnh – Xã Yang Nam, huyện Kông Chro, Gia Lai nói: “Đất này đầu tiên trồng mì, đậu nhưng cho kinh tế ít thì mới chuyển sang thanh long, trái ngọt, to…Đạt hơn so với mì, bắp. Mình thích nhất là năng suất cao, đầu tấn nhiều, người buôn họ thích thăng long ở đây vì ngọt, ngon.”

Kông Chro từ chỗ là một huyện nghèo nhất của tỉnh Gia Lai, mía và mì là hai cây trồng chủ lực nhưng thu nhập lại bấp bênh, không ổn định, nên điều kiện kinh tế của nhiều gia đình nơi đây còn khó khăn. Thế nhưng, hiện tại nhiều nông dân đã mạnh dạn khẳng định rằng không khó để thoát nghèo, thậm chí cơ hội làm giàu trên vùng đất Kông Chro là không thiếu. Có lẻ điều này xuất phát từ thực tế mấy năm qua Kông Chro đã rất thành công với nhiều mô hình trồng cây ăn trái, nên từ đó giúp nhiều nông dân tự tin về cơ hội làm giàu nếu biết tận dụng các lợi thế vốn có của địa phương.

Hồng Uyên – Ksor Tuối


Lượt xem: 15

Trả lời