Khởi sắc làng tái định cư

Cập nhật 08/11/2017, 08:11:31

Vì nhiều lý do như: giao thông đi lại khó khăn, không có nước sạch, thiếu đất canh tác…, người dân bỏ làng mới về nơi ở cũ đã không còn là câu chuyện mới tại nhiều làng tái định cư ở Gia Lai.

          Làm thế nào để bà con bám đất, bám làng, phát huy hiệu quả các chính sách, chương trình hỗ trợ quốc kế, dân sinh của nhà nước để xóa đói, giảm nghèo. Hãy đến với làng Nú –Ngôi làng tái định cư của xã Ia Khai, huyện Ia Grai, xem cách mà chính quyền và bà con nơi đây làm kinh tế thoát nghèo…!

Sau hơn 10 năm, làng Nú-xã Ia Khai, huyện Ia Grai ngôi làng tái định cư nghèo khó ngày nào, giờ hiện ra là những hình ảnh tươi mới. Từ đường xá đi lại, điện đường, bể nước đến nhà rông văn hóa đã được xây dựng mới. Sự thay đổi đó bắt đầu từ khi địa phương nhận được sự quan tâm đầu tư bằng các chính sách cụ thể, cùng với việc định cư ổn định, các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao cũng được chuyển giao đến tận tay bà con.

Ông Rơ Lan Hươn, Thôn trưởng làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai, Gia Lai cho biết: “Nhờ nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón và chỉ hướng cho mình chăm sóc, học hỏi theo khoa học chăm sóc cây công nghiệp nó đỡ hơn so với trước đây, thu nhập bà con thì tăng qua từng năm”.

 Không còn vất vả như trước, gần 5 năm nay gia đình già Rơ Lan Thang đã thoát khỏi diện hộ nghèo với nguồn thu nhập khá ổn định từ cây điều và bời lời. Nhờ các cấp ủy  đảng, chính quyền, mặt trận các đoàn thể hỗ trợ cây con giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Từ một hộ đói nay gia đình già Rơ Lan Thang đã có gần 10ha điều,  bời lời cùng với rẫy bắp, rẫy mỳ mỗi năm cho thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng.

Già làng Rơ Lan Thang, làng Nú, xã Ia Khai, huyện Ia Grai, Gia Lai nói: Bà con đi làm đều cố gắng phát triển kinh tế, làm điều, bời lời và trồng cà phê nữa, làm ăn cũng phát đạt nay cuộc sống đã khá hơn trước, xây được nhà cho con cái mình…

Để giúp bà con nhất là hộ nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm với những mô hình kinh tế mới hiệu quả, chính quyền địa phương đã tăng cường bám sát dân theo từng chương trình hỗ trợ sản xuất; phát huy tinh thần đoàn kết, giúp nhau thi đua sản xuất. Đặc biệt, mới đây xã Ia Khai đã thành lập hợp tác xã phát triển sản phẩm hạt điều để các gia đình cùng tham gia, hướng đến việc sản xuất chuyên canh, bền vững về cây trồng chủ lực nơi đây. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo được giảm mạnh, từ chỗ hơn 80%  hộ nghèo, thì nay với 90 hộ, 383 nhân khẩu làng Nú chỉ còn 23 hộ nghèo.

Ông Rơ Chăm Bích, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Ia Khai, huyện Ia Grai, Gia Lai cho biết: “Chúng tôi có những quy chế phối hợp giữa mặt trận với các tổ chức thành viên như phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh…, để tạo công tác vận động cho mạnh phát triển kinh tế cho hộ gia đình và đề ra hướng về nguồn vốn vay để bà con đầu tư về cây công nghiệp khác, nhờ đó mà đời sống bà con đã khá rất nhiều”.

Từ sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cùng sự nỗ lực, vượt khó của người dân, cuộc sống của bà con làng Nú đã có sự đổi thay rõ nét. Hệ thống đường bê tông rải khắp buôn làng, 100% đồng bào Jrai được sử dụng điện, nước sạch…Đây chính là đòn bẩy quan trọng góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở huyện biên giới ia Grai…/.

Kim Ngân, Ksor Tuối


Lượt xem: 92

Trả lời