Khởi sắc Hà Đông

Cập nhật 02/9/2016, 21:09:14

Cách thành phố Pleiku  70 cây số, thế nhưng trước đây để vào được  xã Hà Đông huyện Đak Đoa chí ít cũng mất nửa ngày, những lúc mưa bão thì có khi đi mất cả ngày  thậm chí là không thể vào được. Giao thông muôn vàn cách trở đã làm cho xã nghèo giống như một ốc đảo. Thế nhưng bây giờ đã khác, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Hà Đông đã có bước phát triển không ngừng.

2.9 khoi sac

Xã Hà Đông hiện có tổng số 840 hộ với gần 4.700 nhân khẩu, trong đó gần 100% dân số là người Ba Na, những năm gần đây thông qua các chương trình hỗ trợ của Nhà nước đã giúp Hà Đông khởi sắc, khoác lên mình một diện mạo mới với đầy đủ các công trình phục vụ dân sinh như điện, nước, trường học, trạm y tế….. Không chỉ con đường liên xã nối từ Đak Sơ Mei đến Hà Đông đã nâng cấp thuận lợi hơn rất nhiều, mà ngay cả các tuyến đường tới các làng trong xã cũng đã được đầu tư làm mới, góp phần giúp bà con thuận tiện đi lại, thông thương mua bán.

Anh Mia-Làng Kon Nak xã Hà Đông-Đak Đoa cho biết: “Được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng và Nhà nước mà  bây giờ làng nào cũng có đường đi thuận tiện. Bà con trồng cây bời lời, cây keo có xe ô tô vào tận nơi mua. Bây giờ nhiều nhà có xe máy để đi, con cái được đi học đầy đủ”.

Với phần lớn diện tích là đồi núi, xã đã đẩy mạnh việc chuyển đổi đất trồng mỳ bạc màu, đất trống sang trồng rừng kinh tế.  Qua hỗ trợ của các chương trình mục tiêu, Chương trình 135, 168 của Chính phủ, Dự án hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã giúp  nhân dân Hà Đông trồng được gần 10 ha tiêu, cà phê, 140 ha lúa nước,  156 ha keo lai, hơn 700 ha bời lời,…. Qua đó góp phần thúc đẩy và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong xã. Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa – xã hội được cấp ủy, chính quyền xã Hà Đông tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả. Hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho công tác giáo dục dần được hoàn thiện, chất lượng dạy và học được nâng lên đáng kể. Cả xã hiện có 3 bậc học từ mầm non, tiểu học đến THCS, nếu trước đây ở cấp học càng cao, việc duy trì sĩ số càng khó thì hiện nay tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm, người dân ngày càng quan tâm đến việc chăm lo cho con cái học hành.

Cô giáo Lê Thị Hương Lan-Hiệu phó trường PTDT Bán trú Tiểu học Hà Đông- Đak Đoa cho biết: “Tôi vào đây công tác từ năm 2009, trước đây là con đường đất, giáo viên đi từ sáng chủ nhật đến chiều tối vẫn chưa vào được đến trường. Trước đây phụ huynh ở đây cũng không quan tâm tới việc học của con em họ. Hiện giờ thì Nhà nước đã xây dựng được mô hình trường học bán trú nên các em đã đi học ngày một đông đủ hơn”.

Diện mạo Hà Đông đã có sự khởi sắc đáng kể, tuy nhiên trong điều kiện là một xã nghèo, với hơn 58% tỷ lệ hộ nghèo, để phát triển bền vững thì Hà Đông không chỉ trông chờ vào nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước mà phải phát huy nội lực của chính mình để đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Ông Lương Minh Thiện-Bí thư Đảng ủy xã Hà Đông-Đak Đoa cho biết: “Đảng bộ xã Hà Đông tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy truyền thống đoàn kết, nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng; khai thác và phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực; đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh, quyết tâm phấn đấu đưa xã Hà Đông sớm thoát nghèo”.

Hà Đông hôm nay, dù đã khởi sắc nhưng vẫn là xã nghèo với nhiều khó khăn, nhưng với những nền tảng đã đạt được, có thể tin tưởng rằng, Hà Đông sẽ tiếp tục phát huy nội lực, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra để góp phần đưa xã ngày càng phát triển bền vững./.

Vân Anh – Thanh Sáng

 

 


Lượt xem: 615

Trả lời