Khởi nghiệp từ mô hình nuôi dúi

Cập nhật 21/2/2022, 10:02:27

Vốn có kiến thức về chăn nuôi, thú y, thanh niên Lê Thành Trung ở thôn An Quý, xã Phú An, huyện Đak Pơ đã khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi dúi.

Lê Thành Trung, sinh năm 1998. Anh chia sẻ, thời gian đi học tại tỉnh Bình Định, trong một lần đến nhà bạn chơi tại huyện Hoài Nhơn, anh được biết đến mô hình nuôi dúi của gia đình bạn. Sau đó, anh đã tìm hiểu và quyết định nuôi thử với 5 cặp dúi giống.

Anh Trung, cho biết: “Thấy giá thành trên thị trường cao và kỹ thuật thời gian nuôi nó đơn giản, không tốn nhiều thời gian mỗi ngày và nguồn thức ăn của nó thì ở địa phương mình rất có thế mạnh vì khu vực địa phương là nguồn nguyên liệu mía cũng như tre bắp mía thì chi phí rất rẻ và nguyên nhân ngoài lề thì khi thấy con vật này em rất thích”.

 Sau khi tốt nghiệp vào năm 2018, anh quyết định mở rộng quy mô chuồng trại để đầu tư nuôi dúi. Anh đã mua thêm giống ở Đắk Lắk để tăng quy mô đàn lên 50 nái, nuôi trên diện tích 50 m2. Đến năm 2019, anh bắt đầu có nguồn thu. Từ đó, chàng trai trẻ quyết định tăng đàn, xây dựng thêm diện tích trại dúi. Đến nay, tổng đàn dúi của anh Trung là 300 con, trong đó 120 nái đẻ. Để tìm đầu ra cho trại dúi, anh Trung đã giới thiệu sản phẩm của mình qua mạng xã hội Facebook, Youtube, chủ động liên hệ với các nhà hàng trong và ngoài tỉnh. Từ đó, đã có nhiều người tìm đến anh để học hỏi kỹ thuật cũng như mua dúi giống. Riêng với dúi thịt, hiện trại dúi của anh đã có thị trường tiêu thụ ở các tỉnh, thành như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh … Bình quân mỗi tháng thu nhập từ trại dúi của anh là trên 20 triệu đồng.

Anh Lê Thành Trung, Thôn An Quý, xã Phú An, huyện Đak Pơ cho biết: “Nói về kỹ thuật nuôi dúi thì nó đơn giản hơn các con vật khác như heo, bò, khi mà nuôi con này mình chỉ chú trọng khâu phòng bệnh là chính vì sức đề kháng cao rất ít xảy ra bệnh cũng như khâu thức ăn của nó thì đơn giản thì mình chăm sóc cho ăn vào lúc tối tầm 30 đến 60 phút tùy vào số lượng đàn và khi dúi bị bệnh thì hầu như có các loại thuốc điều trị hết khi mình dùng thuốc thì 1 đến 2 ngày sau sẽ khỏi ”.

Từ hiệu quả mô hình nuôi dúi của gia đình anh Trung, nhiều hộ dân trong xã, huyện đã đến học tập kinh nghiệm, mua con giống để phát triển kinh tế.

Ông Phan Văn Ngữ – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú An, huyện Đak Pơ cho biết: “Nói về mô hình nuôi dúi thì đây là mô hình nuôi đầu tiên của xã Phú An. Qua tìm hiểu, trao đổi thông tin của trại dúi thì mô hình dúi này rất hiệu quả. Cụ thể, giá thành bán ra rất cao mà chi phí thấp, các nguồn thức ăn có thể tận dụng được ở tự nhiên, dễ nuôi, trại có thể tận dụng. Trại của anh Trung quy mô rất lớn, rất bài bản. Qua mô hình này thì cũng mong các hộ dân ở những địa phương khác  ai có nhu cầu thì có thể đến đây học hỏi nhân rộng ra”.

CTV Tuyết Mai – Văn Vấn


Lượt xem: 105

Trả lời