Khoảng trống trong y tế học đường

Cập nhật 10/4/2017, 07:04:09

Y tế học đường có vai trò quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh ở trường học. Vậy nhưng, vì thiếu nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh và nguồn thuốc, nên hiện nay công tác này vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Phóng sự sau được thực hiện tại một số trường học trên địa bàn tỉnh sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn về những khoảng trống trong công tác y tế học đường hiện nay.

Phòng Y tế học đường của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, ngôi trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào năm 2016,  ít ai biết rằng, nó được cải tạo lại từ phòng bảo vệ của nhà trường và chỉ có khoảng 6 trang thiết bị khám bệnh, gần 10 loại thuốc thiết yếu… Cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn nên rất khó bảo đảm dự phòng y tế cho hơn 500 học sinh của nhà trường.

Y sĩ Trịnh Thị Thanh Loan, Cán bộ YTHĐ trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TT. Chư Ty,Đức Cơ, Gia Lai cho biết:  “Do kinh phí và diện tích phòng YTHĐ có hạn nên việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men không thể theo đúng quy định. Cùng với đó là việc tôi phải kiêm nhiệm luôn công tác thư viện của trường và một số công tác vệ sinh khác nên cũng rất áp lực…”.

Còn tại Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông, phòng Y tế học đường chỉ là một phòng nhỏ chưa đầy 10m2 nằm ở một góc khuất của chân cầu thang với những trang thiết bị sơ sài. Thậm chí ở đây còn không có giường cho học sinh nằm lại để theo dõi sức khỏe nếu có trường hợp đau ốm xảy ra. Tủ thuốc của trường chỉ có vài ba thứ như thuốc hạ sốt, dầu gió, thuốc sát trùng. Theo lý giải của nhà trường thì do kinh phí cho hoạt động Y tế học đường còn hạn chế và y tế vẫn chưa có phòng riêng nên việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men cũng chỉ dừng lại ở những thứ thông dụng trong tủ thuốc gia đình.

Cô Vũ Thị Loan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Chu Trinh, Ia Drăng, Chư Prông, Gia Lai cũng cho biết: “Vì cơ sở vật chất đã dành cho công tác giảng dạy nên chúng tôi cũng không bố trí được phòng cho Y tế học đường. Với lại, nếu có trường hợp học sinh bị đâu thì gần đây có trạm y tế xã nên chúng tôi sẽ chuyển trực tiếp các em lên đó. Tuy nhiên, lâu nay vẫn chưa có trường hợp học sinh nào đau nặng tại nhà trường để phải chuyển đi như vậy….”

Theo quy định, nhiệm vụ của cán bộ Y tế học đường rất rộng, ngoài sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh còn phải kiểm tra vệ sinh trường lớp, kiểm soát bếp ăn bán trú, chăm sóc, tư vấn sức khỏe, tâm lý cho học sinh…. Tuy nhiên, theo khảo sát thì hiện nay vẫn còn khá nhiều trường học chưa có cán bộ y tế học đường. Chẳng hạn như tại huyện Chư Prông, hiện chỉ có 7 trong tổng số 64 trường học học thuộc phạm vi quản lí của Phòng Giáo dục  – Đào tạo huyện. Ở những trường có y tế học đường, phần lớn cơ sở vật chất và trang thiết bị khám chữa bệnh đều rất thiếu.

 Ông Võ Văn Lương, Phó Phòng GD – ĐT huyện Chư Prông, Gia Lai nói: “Do quy định về công tác tuyển dụng nên thời gian qua, các trường học không thể tuyển được biên chế cho  y tế học đường. Thời gian tới chúng tôi sẽ chú trọng hơn đến công tác này hơn, đồng thời sẽ tham mưu với các cấp lãnh đạo tăng cường đầu tư đúng mức cho Y tế học đường tại địa phương…”

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác Y tế học đường, thời gian tới các địa phương cũng như ngành GD-ĐT cần bố trí đủ phòng y tế và tiếp tục tuyển dụng cán bộ y tế cho các trường, có kế hoạch đào tạo dài hơi nhằm lấp dần khoảng trống về trình độ đội ngũ cán bộ y tế. Bên cạnh đó cần bố trí nguồn kinh phí hợp lý cho công tác y tế học đường; chỉ đạo các trường sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí trích lại từ bảo hiểm y tế học sinh nhằm chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho thế hệ tương lai của đất nước./.

Quốc Linh


Lượt xem: 115

Trả lời