Khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm dệt thổ cẩm

Cập nhật 21/6/2020, 17:06:29

Những năm gần đây, nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh như đan lát, dệt thổ cẩm đã và đang được duy trì, phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm thủ công truyền thống vẫn là bài toán khó, sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ. Vì vậy nhiều cơ sở phải hoạt động cầm chừng, như Câu lạc bộ (CLB) dệt thổ cẩm tại làng Phung, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku là một ví dụ.

Được truyền lại nghề dệt thổ cẩm từ mẹ, chị H’Ben, Chủ nhiệm CLB Dệt thổ cẩm làng Phung, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku đã có mấy chục năm gắn bó với nghề, mỗi sản phẩm làm ra đều được chị chau chuốt kỹ lưỡng. Nhưng điều khiến chị lo lắng là hiện nay sản phẩm làm ra không có đầu ra. Bản thân chị còn có hàng để làm thường xuyên chứ nhiều thành viên trong CLB không có hàng để làm.

Chị H’Ben – Chủ nhiệm CLB Dệt thổ cẩm làng Phung, xã Biển Hồ, Tp.Pleiku chia sẻ: Tôi dệt thổ cẩm này lâu rồi, nhưng thu nhập không khá lắm, tuy hàng đều làm thường xuyên nhưng số lượng không nhiều. Bình quân 1 tháng được khoảng 3 bộ, một bộ khoảng 1,7 triệu đồng, thu nhập không cao nhưng cũng đủ để chi tiêu vì đây là nghề tay trái. Mong muốn của tôi là mình dệt ra sản phẩm để người ta biết đến. Thứ 2 hai nữa là mình giới thiệu, tạo việc làm cho chị em để có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn.

Được thành lập từ năm 2004, đến nay CLB Dệt thổ cẩm làng Phung có hơn 50 thành viên. CLB được thành với mục đích vừa duy trì, bảo tồn nghề dệt truyền thống của dân tộc vừa kiếm thêm thu nhập cho chị em trong thời gian nông nhàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này hầu hết sản phẩm chị em làm ra theo hình thức ‘tự sản, tự tiêu” là chủ yếu chứ không tìm được thị trường tiêu thụ, vì vậy nhiều chị em không còn mặn mà với nghề nữa, nghề dệt thổ cẩm vì thế mà đang có nguy cơ bị mai một  dần.

Chị Ri – Làng Phung, xã Biển Hồ, Tp.Pleiku nói: “Về thổ cẩm mình không biết lắm, mẹ mình dệt rất đẹp cũng muốn truyền cho mình nhưng mà dệt thổ cẩm khó lắm nên mình không học”.

Bà Phạm Thị Tuyển – Chủ tịch  Hội LHPN xã Biển Hồ, Tp.Pleiku cho biết: “Nghề dệt thổ cẩm của chị em ở đây cũng rất lâu rồi, tuy nhiên chị em chủ yếu dệt trong lúc nông nhàn, cũng có một số chị em dệt ra để cung cấp cho thị trường bán cho các huyện lân cận như Ayun pa, Krông Pa, Chư Sê, tuy nhiên sản phẩm làm ra để cạnh tranh với thị trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó mình mong muốn sản phẩm này tiêu thụ ra thị trường để chị em có thể tăng thêm thu nhập và có việc làm ổn định hơn”.

Nghề dệt thổ cẩm được coi là nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Jrai, Bahnar và được truyền nối qua nhiều thế hệ. Dưới đôi bàn tay khéo léo, những chiếc váy, chiếc áo, chiếc khăn mang đậm bản sắc dân tộc hiện ra vô cùng rực rỡ… Nhưng theo thời gian nghề dệt thổ cẩm đang dần bị mai một khi sản phẩm làm ra không tìm được chỗ đứng trên thị trường. Mong muốn của họ là làm sao tìm được đầu ra cho sản phẩm, từng bước khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Lê Thư ,Thiên Thanh, Huy Toàn


Lượt xem: 156

Trả lời