Khó khăn trong phòng chống sốt xuất huyết

Cập nhật 26/8/2019, 07:08:54

Sốt xuất huyết tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2018 với trên 6.600 ca mắc, 2 trường hợp tử vong trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ đầu năm đến nay…những con số trên cho thấy tình hình bệnh năm nay đang có những diễn biến phức tạp. Theo dự báo sốt xuất huyết sẽ còn tiếp tục gia tăng trong những tháng tới, trong khi công tác phòng chống dịch đang đặt ra không ít khó khăn. 

Chỉ trong vòng 3 tuần qua toàn tỉnh đã ghi nhận trên 1.000 ca mắc, tập trung nhiều nhất tại thành phố Pleiku, huyện Kbang, Chư Prông, An Khê… Hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai xuất hiện 3 tuýp vi rút gây bệnh. Trong năm 1 người có thể mắc 2 lần do 2 tuýp vi rút khác nhau vì vậy nguy cơ bệnh nặng và tử vong cao. Dù dịch sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh song nhiều nơi người dân vẫn còn chủ quan trong phòng bệnh, công tác vệ sinh, thu gom phế thải tại hộ gia đình và cộng đồng vẫn chưa triệt để.

Ông Nguyễn Minh Lại – Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã An Khê, Gia Lai cho biết: “Tháng 8 diễn biến phức tạp hơn, số bệnh nhân vào viện có dấu hiệu cảnh báo  bệnh nặng chiếm tỷ lệ cao, nhiều trường hợp phải chuyển viện tuyến cao hơn. Khó khăn trong phòng chống hiện nay là nhận thức của nhân dân chưa cao, cứ nghĩ phòng chống dịch là của ngành y tế và chính quyền địa phương. Đặc điểm của An Khê là nơi trồng rau nhiều, ao tù nước đọng, vệ sinh môi trường làm theo chiến dịch chưa được thường xuyên, lăng quăng bọ gậy phải làm hàng tuần vì chu kỳ 7-10 ngày lăng quăng bọ gậy đã phát triển”.

Một trong những nguyên nhân khiến bệnh sốt xuất huyết bùng phát là do khâu phòng bệnh còn chưa hiệu quả. Môi trường sống hàng ngày vẫn còn quá nhiều vật dụng phế thải, vỏ lốp xe, chai lọ, túi ni lông vứt bừa bãi ứ đọng nước tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sản và phát triển, trong khi công tác phòng chống dịch bệnh ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Thiếu kinh phí, hóa chất phòng chống bệnh cũng là khó khăn trong công tác phòng chống sốt xuất huyết hiện nay.

Ông Lê Thanh Hiền – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cũng nêu: “Trong quá trình diệt lăng quăng, bọ gậy làm chưa được triệt để, có làm chiến dịch sau đó không duy trì mấy ngày sau ổ lăng quăng bọ gậy vẫn tồn tại. Công tác vệ sinh môi trường làm chưa được tốt, mình cán bộ y tế không thể xuống tất cả các thôn xã đôn dốc hàng ngày, hàng tuần được. Điều quan trọng nhất chính quyền phải huy động được các đoàn thể xã hội, mọi người dân cùng tham gia  thường xuyên duy trì công tác vệ sinh môi trường tại nhà và cộng đồng. Nguồn kinh phí phải có hỗ trợ kịp thời, không chỉ Gia Lai mà các địa phương khác  khó khăn nhất là kinh phí hỗ trợ không kịp thời”.

Theo nhận định, những tháng cuối năm 2019 dịch bệnh sẽ diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt từ tháng 8 đến tháng 10 là thời điểm tăng cao của dịch sốt xuất huyết hàng năm. Duy trì thường xuyên công tác vệ sinh môi trường, xử lý triệt để các ổ bọ gậy là vấn đề mấu chốt nhất để phòng chống dịch sốt xuất huyết một cách hiệu quả./.

Kim Châu, Duy Linh, Huy Toàn

 


Lượt xem: 18

Trả lời