Khó khăn trong giảm thiểu tảo hôn tại Chư A Thai

Cập nhật 23/10/2018, 20:10:36

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Gia Lai đã triển khai Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020”. Tại các địa phương, dù cả hệ thống chính trị đã vào cuộc nhưng tảo hôn vẫn là vấn đề nhức nhối, chưa tìm được hướng giải quyết triệt để, đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa. Phóng sự được thực hiện tại xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện.

Dù mới sinh con được 1 tháng, nhưng cô bé Đinh H’a đã phải làm rất nhiều việc để lo cho gia đình. Từ đi rẫy, chẻ củi H’a đều làm hết. Với 1 cô bé 16 tuổi, có lẽ việc chặt củi còn dễ dàng hơn cả việc chăm con.

Em Đinh H’a- Xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện cho biết: “Từ khi sinh con xong sức khỏe của mình yếu hơn, em đã làm hết công việc của gia đình”.

Chư A Thai là xã đặc biệt khó khăn của huyện Phú Thiện. Toàn xã có 11 thôn, làng thì có 8 thôn, làng dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, tình trạng tảo hôn tại địa phương vẫn còn phổ biến bởi công tác tuyên truyền ở đây gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của những quan niệm lạc hậu. Những đôi nam nữ đang độ tuổi đến trường, chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần đã làm cha, làm mẹ ở tuổi 14 – 15. Theo luật pháp, chưa đủ tuổi kết hôn sẽ không được đăng ký kết hôn và không thể tách hộ, vì vậy hầu hết các cặp tảo hôn này đều sống chung với cha, mẹ. Có những hộ 7-8 người ở chung trong căn nhà sàn rộng khoảng chừng 40 m2 càng làm tăng thêm gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Em Đinh H’Chươn- Xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện nói: “Bọn em chưa đủ tuổi, chưa được đăng ký kết hôn chưa làm giấy khai sinh cho con”

Chị Phạm Thị Mười- Cán bộ chuyên trách dân số xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện cho biết: “Tình trạng tảo hôn so với những năm trước đây tuy có giảm nhưng không đáng kể, tình trạng tảo hôn còn tiếp diễn, còn hơn 30 cặp tảo hôn. Nguyên nhân vì họ cần lao động, hiểu biết còn hạn chế. Sinh con trong thời điểm tảo hôn thì mẹ không biết cách để chăm sóc con trẻ, ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ nên dẫn đến sinh non rất nhiều”.

Trở lại câu chuyện của H’a. Điều đáng nói ở đây là không chỉ H’a mới lấy chồng khi ở tuổi thiếu niên mà trước đó mẹ của em cũng “bắt chồng” năm 14 tuổi. Chị của H’a cũng lấy chồng năm 15 tuổi. Những câu chuyện buồn về tảo hôn dường như đã trở nên quá quen thuộc với đồng bào nơi đây. Nếu như không có sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội và cách thức tuyên truyền phù hợp thì tảo hôn sẽ như một món nợ khó đòi, mãi nhùng nhằng không dứt. Một vòng luẩn quẩn đói, nghèo, thất học và lạc hậu cứ thế bắt đầu, và lặp lại….

Nhâm Dung,  Minh Trung


Lượt xem: 41

Trả lời