Khó khăn trong công tác quản lý các sản phẩm về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật

Cập nhật 17/12/2015, 14:12:41

   Hiện nay, nhiều sản phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng được bày bán trên thị trường, gây thiệt hại không nhỏ đối với người nông dân. Tuy nhiên, công tác quản lý và phát hiện các hành vi vi phạm trên lĩnh vực kinh doanh, mua bán các sản phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nhiều bất cập và gặp nhiều khó khăn. Phóng sự sau được thực hiện tại huyện Chưpưh.

 

   Toàn huyện Chưpưh hiện có 29 cơ sở kinh doanh, mua bán các sản phẩm về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Thực hiện sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện, từ đầu năm đến nay các ngành chức năng trong huyện đã tăng cường công tác kiểm tra việc mua bán, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp, qua đó đã phát hiện 9 trường hợp vi phạm trên lĩnh vực này, trong đó chủ yếu là các hành vi: Ghi nhãn mác không đúng với chủng loại hàng hóa, nhiều sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng. Một số chủ đại lý chưa nắm vững các qui định về mua bán, kinh doanh các sản phẩm trên lĩnh vực này.

   Anh Nguyễn Thanh Tâm- Chủ cơ sở kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ở thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chưpưh cho hay: “Hằng ngày có rất nhiều người đến tiếp thị về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nhưng mình không biết đâu là hàng giả, hàng thật vì không có trang thiết bị để kiểm định, chỉ bằng cảm quan thôi”.

   Hiện nay có rất nhiều sản phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam nhưng được bày bán trên thị trường với rất nhiều chiêu thức, thủ đoạn để đánh lừa người tiêu dùng như một số sản phẩm phân bón trên bao bì ghi “ngoại nhập” hay “sản phẩm cao cấp” nhưng không ghi rõ nước nào sản xuất, còn chất lượng thì không đúng bản chất sản phẩm. Điều đáng nói hơn là các hoạt động về công tác kiểm tra của các ngành chức năng để phát hiện các hành vi vi phạm trên lĩnh vực này lâu nay chủ yếu bằng cảm tính, chưa có đầy đủ các trang thiết bị để kiểm định qua đó phát hiện đâu là sản phẩm giả, đâu là sản phẩm thật.

   Ông Hoàng Văn Hoan- Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Chưpưh cho biết: “Qua kiểm tra thì chúng tôi thấy có những tồn tại, khuyết điểm của một số cơ sở buôn bán phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Về phân bón thì vi phạm về hàng hóa hợp qui, một số phân bón không có tác dụng; thuốc bảo vệ thực vật vi phạm nhãn mác, kém chất lượng, mang lại hiệu quả không cao. Cái khó khăn nhất là chủ yếu kiểm tra ở bao bì bên ngoài sản phẩm, còn chất lượng bên trong thì khó phát hiện đâu là giả, đâu là thật vì phải lấy mẫu để kiểm định mới phát hiện được. Trang thiết bị để làm vấn đề này ở cấp huyện thì chưa được trang bị…”

   Còn người nông dân thì lâu nay mua và sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp mang tính may- rủi.

   Ông Phạm Ngọc Phương, xã IaHRú, huyện Chưpưh chia sẻ: “Chúng tôi mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường mang tính chất may- rủi thôi chứ không biết cái nào thật, cái nào giả. Chỉ mong các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để nông dân không bị thiệt hại…”

   Với nhiều tiềm năng và thế mạnh, Gia Lai là một trong những địa bàn trọng điểm về phát triển kinh tế nông nghiệp, nhất là diện tích các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: tiêu, cà phê, cao su ngày càng tăng. Do đó, công tác kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh, mua bán và sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp phải được tiến hành một cách thường xuyên và khoa học để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng và không gây thiệt hại cho người tiêu dùng./.

Hà Đức-R’Piên


Lượt xem: 357

Trả lời