Khó khăn trong can thiệp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Cập nhật 30/7/2018, 08:07:39

Thời gian qua, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau nhằm làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, trong đó có việc đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những giải pháp đó xem ra vẫn chưa phát huy được hiệu quả khi ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều trường hợp kết hôn ở độ tuổi 14-15. Vậy đâu là những nguyên nhân của tình trạng vừa nêu? Phóng sự sau sẽ một phần lí giải vấn đề này.

16 tuổi, Rơh Mah Blú, thôn Thắng Lợi 4, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện đã lấy chồng được hơn một năm. Mang thai khi vừa bước vào tuổi 15, giờ đây đứa con đầu lòng của em cũng đã tròn 1 tuổi. Lấy chồng, có con ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, có lẽ chẳng ai trách được Blú còn vụng về trong cách dỗ dành con trẻ.

Em Rơh Mah Blú, Thôn Thắng Lợi 4, xã Ia Sol, Phú Thiện, Gia Lai nói: “Trước đây chưa hiểu biết nên em đã lập gia đình sớm, giờ đây cuộc sống vợ chồng rất khó khăn, phụ thuộc vào gia đình, vào bố mẹ, rất ảnh hưởng đến cuộc sống”.

Ông Siu Thuk (Bố Rơh Mah Blú), Thôn Thắng Lợi 4, xã Ia Sol, Phú Thiện, Gia Lai cho biết:  “Hồi đó nó muốn lấy chồng sớm mình cũng có ngăn cản nó mãi nhưng không được, vì nếu ngăn cản nhiều quá nó sẽ tự tử, nên đành phải chấp nhận cho nó lấy chồng sớm thôi…”

Thực tế cho thấy, những khó khăn gặp phải trong can thiệp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS không chỉ nằm ở những nguyên nhân giống như trường hợp của Rơh Mah Blú. Một số trường hợp dù có học thức, có hiểu biết nhưng vẫn xảy ra tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống. Học hết 12 trường PTDT Nội trú Đông Gia Lai và có học lực khá, nhưng Đinh Thị Liu, xã Ya Hội, huyện Đăk Pơ kiên quyết từ bỏ cơ hội được trở thành sinh viên Đại học để ở nhà bắt chồng. Trớ trêu thay, chồng của Liu lại là một người  cháu họ. Với Liu, lí do bắt chồng thật đơn giản.

Em Đinh Thị Liu, Xã Ya Hội, huyện Đăk Pơ, Gia Lai: “Em biết bắt chồng cùng huyết thống sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con cái sau này nhưng biết làm sao được vì yêu quá thì phải bắt thôi.”

Thống kê của Ban dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết, nếu như năm 2016, toàn tỉnh có hơn 820 cặp tảo hôn, thì đến năm 2017, số cặp tảo hôn đã hơn 1.330 và 50 cặp hôn nhân cận huyết thống, và phần lớn xảy ra trong vùng DTTS. Những con số biết nói đó cho thấy dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra, và các ngành chức năng khẳng định cũng đã tập trung triển khai những việc can thiệp nhằm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS vẫn đang còn là một bài toán nan giải.

Chị Trần Thị Bích Vân, Phó GĐ Trung tâm DSKHHGĐ huyện Đak Pơ, Gia Lai cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền về công tác này, nhưng có thể nói đây là một việc làm còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, bởi đối tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giờ đây không chỉ tập trung ở những gia đình ít học, thiếu hiểu biết nữa mà còn xảy ra ở những người có học thức.”

15 tuổi, em gái này đã là một bà mẹ trẻ, 15 năm nữa có lẽ em và nhiều bà mẹ trẻ khác ở trong vùng DTTS ở Gia Lai sẽ lại trở thành một bà nội hoặc bà ngoại ở tuổi ngoài 30, nếu tư duy, nhận thức của em và mọi người ở đây không thay đổi./.

 Quốc Linh – Viễn Khánh – Ksor Tuối


Lượt xem: 87

Trả lời