Khó khăn của giáo dục vùng khó để tiến tới thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới

Cập nhật 18/9/2019, 14:09:58

Theo công bố của Bộ Giáo dục&Đào tạo (GD&ĐT), chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được áp dụng vào năm học tới (năm học 2020-2021) và được áp dụng đầu tiên với lớp 1. Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT cũng như ngành GD&ĐT các địa phương, chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều thay đổi so với hiện tại và được xây dựng trên cơ sở nhằm giúp học sinh hình thành và phát triển phẩm chất lẫn năng lực. Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận rằng để chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng hiệu quả thì đi kèm với đó còn nhiều vấn đề cần phải đặt ra như hệ thống cơ sở vật chất trường lớp học cũng như chất lượng của đội ngũ giáo viên để đảm bảo đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Điều này không phải là việc làm 1 sớm 1 chiều, và càng khó khăn hơn với những địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn hay vùng đồng bào DTTS. PS được thực hiện tại xã Ia Hla – một xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Chư Pưh.

Năm học 2019-2020 này, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh có 22 lớp với 645 học sinh, trong đó học sinh DTTS chiếm 60%.

Không tính các điểm trường tại 3 làng Mung, Hra và Kong Tet; thì điểm trường chính ngay trung tâm xã do được xây dựng từ khá lâu nên hiện nay, cơ sở vật chất gần như đã xuống cấp và chính điều này cũng là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của nhà trường; nhất là khi mà thời điểm bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thực hiện từ năm học tới.

Ông Vũ Văn Thao – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Cơ sở vật chất của nhà nhà trường thì hiện tại chỉ đủ cho các lớp học 1 buổi, mà như chúng ta biết là chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu lớp 1 phải học cả ngày, thì vấn đề phòng học là nhà trường đang gặp khó khăn cho các cháu học cả ngày bắt đầu từ năm học sang năm. Thì để giải quyết khó khăn này, nhà trường cũng đã kiến nghị các cấp lãnh đạo trang bị thêm cơ sở vật chất cho nhà trường; làm sao để đảm bảo tốt nhất về cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Với không ít giáo viên của trường, đặc biệt là giáo viên giảng dạy lớp 1, khó khăn nhất là những bất đồng về ngôn ngữ trước đây thì nay cơ bản đã dần được khắc phục. Tuy nhiên một khó khăn khác đặt ra đó là sự thiếu chuyên cần của học sinh và nếu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới với học 2 buổi/ngày thì đây là vấn đề hết sức khó khăn. Về phía nhà trường, nhiều giải pháp cũng đã được đề ra để tiến tới lộ trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó để nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, tạo được niềm tin nơi phụ huynh, nhà trường cũng hết sức quan tâm và tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên các điểm làng cũng như giáo viên mới ra trường được tiếp cận những kiến thức mới, những thông tin mới thông qua những buổi dự giờ; đứng lớp để từ đó học tập kinh nghiệm lẫn nhau.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hương – Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh, Gia Lai nói:Các em đến lớp thì đi học không đều, phụ huynh cũng chưa quan tâm nên giáo viên cũng rất khó khăn.

Ông Vũ Văn Thao – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Năm học này thì Sở GD&ĐT Gia Lai cũng đã tổ chức tập huấn giới thiệu về chương trình này cho đội ngũ là hiệu trưởng các trường trong toàn tỉnh; bên cạnh đó thì cũng đã chỉ đạo hết sức gắt gao về cho các phòng giáo dục để chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, về nguồn lực giáo viên chuẩn bị cho chương trình mới.  Sắp tới đây sẽ có chương trình tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý cũng như giáo viên của khối lớp 1, thì nhà trường cũng đang tích cực để sẽ cử những giáo viên cốt cán của khối lớp 1 đi tiếp cận chương trình này về để triển khai trong năm học tới”.

Áp dụng đầu tiên đối với lớp 1 vào năm học 2020-2021 và sẽ tiếp tục với các khối lớp sau theo như lộ trình đã đề ra, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng 6 biện pháp “giảm tải”. Đó là giảm số môn học và hoạt động giáo dục; giảm số tiết học; tăng cường dạy học phân hóa – tự chọn; thực hiện phương pháp dạy học mới; và đổi mới đánh giá kết quả giáo dục. Lộ trình theo Bộ GD&ĐT đã đề ra là chọn lọc giáo viên tốt nhất để thích ứng được các chương trình áp dụng từ đầu cấp; đồng thời rà soát, quy hoạch lại hệ thống sư phạm, bổ sung kịp thời nếu còn thiếu và tuyển dụng tối thiểu để đảm bảo cho nhu cầu đổi mới. Thế nhưng với những vùng đặc biệt khó khăn như xã Ia Hla, huyện Chư Pưh; lộ trình đổi mới vẫn sẽ còn rất nhiều gian nan và thời gian 2 năm để các giáo viên, các trường chuẩn bị xem ra có phần gấp gáp./.

 Mỹ Tiến, Huy Toàn


Lượt xem: 47

Trả lời