Khi người Bahnar ở làng Pơ Nang sản xuất trà dược liệu

Cập nhật 11/9/2019, 08:09:29

Từ trước đến nay, bà con DTTS làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê chỉ biết trồng cây mì, cây bắp, cây lúa… để phát triển kinh tế. Sự giàu nghèo của mỗi nhà cũng chủ yếu chỉ được đánh giá dựa trên việc trong kho nhà nào có nhiều lúa, nhiều bắp hơn chứ chưa nhiều hộ được đánh giá dựa trên số tiền hàng năm họ kiếm được từ việc bán nông sản mình làm ra. Thế nhưng, bây giờ, câu chuyện phát triển kinh tế của người dân làng Pơ Nang đã khác trước nhiều. Những người nông dân vốn chỉ biết trồng lúa, trồng bắp, mì…ngày nào giờ đã biết trồng cây dược liệu để chế biến trà uống cung cấp cho thị trường. Phóng sự sau sẽ kể về câu chuyện sản xuất và chế biến trà dược liệu của bà con Bahnar ở làng Pơ Nang.

Một vụ thu hoạch cà gai leo lại bắt đầu. Bà con làng Pơ Nang đang gấp rút thu hái cho xong cây cà gai leo trên rẫy để mang về chế biến. Và cũng là để kịp dọn đất chuẩn bị cho vụ trồng mới.

Hơn 1 năm nay, trên diện tích 2ha đất chung của làng, 10 hộ dân của làng Pơ Nang đã mạnh dạn đi đầu trồng loại cây dược liệu mà trước đây chưa ai từng nghĩ nó lại có thể mang lại giá trị kinh tế cho người dân cũng như giá trị sức khỏe cho người sử dụng.

Chị Hồ Thị Viên – Thành viên HTX Tú An 1, xã Tú An, thị xã An Khê, Gia Lai nói: “Vì đây là loại cây hồi giờ nó chỉ mọc dại, không ai trồng nên khi vận động bà con trồng bà con không nghe. Vì thế nên một số hộ trong làng, trong đó có gia đình tôi mới tiên phong làm trước. Qua vụ thu hoạch vừa rồi thì thấy nó rất dễ làm, mang lại hiệu quả cao, cải thiện được thu nhập. Ở một số nơi, người ta đã thành công rồi nên mình cũng tự tin làm”.

Cà gai leo sau khi thu hái trên rẫy sẽ được vận chuyển về làng để làm các công đoạn sau thu hoạch. Vì cơ sở vật chất chưa có nên bà con làng Pơ Nang đang tận dụng lớp học bỏ không của điểm trường làng để làm kho chế biến sản phẩm. Hàng ngày, những người đàn ông trong làng sẽ làm nhiệm vụ vận chuyển cây cà gai leo về kho, rửa sạch, còn phụ nữ thì phụ trách các công đoạn thu hái, cắt nhỏ và mang đi phơi khô. Sau đó sẽ được giao lại cho HTX Tú An 1 để đóng gói, phân phối ra thị trường.

Do điều kiện về máy móc, thiết bị chưa được đầu tư đầy đủ nên mọi công đoạn đều được làm thủ công. Tuy nhiên, được biết, nhiều dự án đầu tư của Trung ương, tỉnh và thị xã đã và đang có kế hoạch triển khai để hỗ trợ bà con làng Pơ Nang phát triển sản phẩm cà gai leo ra thị trường.

Ông Lê Văn Bộ – Giám đốc HTX Tú An 1, xã Tú An, thị xã An Khê, Gia Lai cho biết: “HTX nhận được sự quan tâm, đầu tư khá nhiều từ các cấp. Từ chương trình phát triển nông thôn, chương trình OCOP, xây dựng nông thôn mới…Tổng các nguồn hỗ trợ lên gần đến 1 tỷ đồng. Qua đó HTX sẽ đầu tư máy móc, trang thiết bị để phát triển sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường. Và cũng là tạo ra được nhiều lợi nhuận hơn cho bà con nông dân”.

Sản phẩm trà dược liệu cà gai leo đang được bà con DTTS làng Pơ Nang sản xuất và chế biến là loại trà có mùi thơm, vị ngon đậm đà, vừa ngọt, vừa hơi đắng. Loại trà này có nhiều công dụng đối với sức khỏe của con người như đào thải độc tố trong gan, hạ men gan, tiêu giảm mụn nhọt do nóng trong người; hỗ trợ điều trị làm giảm triệu chứng men gan cao, xơ gan, gan nhiễm mỡ…Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai mới chỉ có bà con DTTS ở làng Pơ Nang đưa loại cây dược liệu này vào trồng và chế biến tập trung.

Chính vì thế, với sự đồng hành của HTX Tú An 1 trong việc định hướng phát triển sản phẩm, đầu tư trang thiết bị chế biến, những tiềm năng và cơ hội dành cho sản phẩm cà gai leo đang được mở ra.

Chị Viên cho biết thêm: “Cây cà gai leo này nó đang mang lại thu nhập khá dành cho bà con. Một năm loại cà này có thể cho thu hoạch được 4 vụ. Trung bình 1 sào thu được khoảng 400 đến 500 kg tươi. Nếu thời tiết thuận lợi, mưa nhiều, sản lượng thu được còn cao hơn. So với ngày công đi làm thuê, thì làm cà gai leo mang lại thu nhập cao hơn”.

Không chỉ đưa loài cây dại vốn chỉ mọc hoang quanh ven đường, ven suối trở thành một sản phẩm trà dược liệu bảo vệ sức khỏe. Bà con DTTS ở làng Pơ Nang còn đang xúc tiến kế hoạch đưa cà gai leo trở thành một trong những sản phẩm đặc trưng của địa phương theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm của tỉnh triển khai. Điều này đã cho thấy, những tư duy mới trong phát triển kinh tế của bà con Bahnar nơi đây đã bắt đầu có những chuyển biến rõ nét, phù hợp xu thế của thị trường.

 Ngọc Hà, Ksor Tuối

 


Lượt xem: 75

Trả lời