Khi giá mủ cao su xuống thấp.

Cập nhật 30/9/2013, 14:09:51

Gia Lai là tỉnh có diện tích cao su lớn nhất Tây Nguyên với trên 120.000 ha. Nếu như trước đây, cao su được mệnh danh là “vàng trắng” giúp nhiều hộ đổi đời thì từ cuối năm 2011 đến nay, giá mủ cao su xuống thấp đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của nhiều doanh nghiệp, gia đình, đặc biệt là những hộ có thu nhập phụ thuộc phần lớn vào cây cao su. Phóng sự sau sẽ phản ánh thực tế này tại huyện Chư Prông-một trong những địa phương có diện tích cao su khá lớn của tỉnh Gia Lai với hơn 30.000 ha.

 

 

Gia đình ông Hồ Văn Bạn ở thôn 2 là một trong những hộ có diện tích cao su khá lớn không chỉ trên địa bàn xã Ia Tôr, mà cả ở huyện Chư Prông với 10 ha cao su đã đi vào khai thác 8 năm nay. Nếu như năm 2012, 1kg mủ nước nguyên chất 30 độ có giá 18.000 đồng thì hiện nay chỉ còn trên 10.000 đồng/kg. Khi giá mủ cao su cao, mỗi ha gia đình ông có thu nhập gần 500.000 đồng/ngày thì hiện nay giá mủ đã xuống thấp, vì vậy thu nhập cũng giảm mạnh. Với giá này, chỉ đủ chi phí đầu tư hoặc cùng lắm là lấy công làm lời. Không chỉ giá mủ xuống thấp mà việc bán cũng khó hơn trước nhiều. Giãi bày tâm sự của mình Ông Hồ Văn Bạn-Thôn 2 xã Ia Tôr, huyện Chư Prông nói: “Trước đây với vườn cao su này, gia đình tôi thu hoạch theo kiểu thu một ngày nghỉ một ngày gọi là L2 giờ thì thu theo kiểu L3 tức là thu một ngày nghỉ 2 ngày để nuôi dưỡng vườn cây. Bên cạnh giá thấp thì việc thu mua của thương lái cũng khó, trước đây thương lái đến tận vườn thu mua giờ thì kén chọn lắm, lại còn ép giá nữa”.

Huyện Chư Prông hiện có trên 30.000 ha cao su, trong đó diện tích cao su tiểu điền là hơn 1.300 ha. Trường hợp của gia đình ông Bạn hay nhiều hộ trồng cao su tiểu điền đã đi vào khai thác nhiều năm trên địa bàn huyện Chư Prông có thể nói đã là may mắn dù thu nhập có giảm sút… Vì những năm giá mủ cao, nhiều hộ đã thu được tiền lãi và có thu nhập cao, bù đắp giá thấp như hiện nay. Đáng nói là đối với những gia đình có diện tích vườn cây vừa đưa vào khai thác hay mới vào thời kỳ mở miệng cạo mà rơi vào giai đoạn giá cao su xuống thấp thì gặp không ít khó khăn. Bởi từ khi trồng đến lúc khai thác, nông dân phải mất gần 7 năm và chi phí đầu tư cho cây cao su khá lớn, trong khi đây là năm cao su có giá thấp nhất trong 8 năm trở lại đây. Do vậy rơi vào cảnh lao đao, nhất là đối với những hộ phải vay mượn tiền để đầu tư. Cạo mủ vào thời điểm này thì tiền thu được không đủ bù chi, do vậy nhiều hộ chọn cách tạm dừng khai thác mủ để nuôi dưỡng vườn cây.

Ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Prông cho biết, Trước tình hình mủ cao su xuống thấp huyện đã khuyến cáo người dân tập trung đầu tư chăm sóc vườn cây hiện có, và không nên mở rộng diện tích trồng mới cây cao su.

Được biết, giá mủ cao su hiện giảm tới 38% so với mức đỉnh điểm của đầu năm 2012. Điều này khiến doanh thu của các doanh nghiệp, đặc biệt là người dân giảm mạnh. Để duy trì hoạt động, các Công ty cao su phải thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có việc thu hẹp sản xuất, tìm hướng kinh doanh mới, còn người dân thì lựa chọn cách khai thác cầm chừng hoặc tạm dừng khai thác để nuôi dưỡng vườn cây với hy vọng chờ giá lên. Từ thực tế trong thời gian qua, các loại nông sản thường xuyên rơi vào tình cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, nay lại đến lượt cao su, một lần nữa cho thấy việc sản xuất của bà con phụ thuộc nhiều vào giá cả thị trường. Nếu giá sản phẩm làm ra cao thì nông dân có lời, còn ngược lại may mắn thì chỉ lấy công làm lời hoặc huề vốn, thậm chí là bị thua lỗ nặng, lâm vào cảnh khó khăn. Giá mủ cao su xuống thấp đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, vì vậy cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách của tỉnh./.

 

Thiên Thanh-R’Piên


Lượt xem: 73

Trả lời