Khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương

Cập nhật 21/10/2023, 12:10:22

Phát huy lợi thế về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đã và đang thôi thúc nhiều nông dân tại các địa phương trong tỉnh Gia Lai tìm hướng đi cho riêng mình trong sản xuất nông nghiệp. Và rồi không ít những mô hình thành công, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn khẳng định được khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của những nông dân chân đất. PS thực hiện tại phường An Phước, thị xã An Khê.

Dừa xiêm miền Tây…, vịt… và gà thả vườn – mô hình trồng trọt-chăn nuôi kết hợp đã mang lại cho gia đình ông Lê Hữu Thạo nguồn thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm. Từ những kinh nghiệm tích lũy qua nhiều năm, ông Thạo quyết định phát triển mô hình này trên mảnh đất của gia đình. Trong những thời điểm mà sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức vì chi phí đầu vào, nhất là giá phân bón tăng cao, giá nông sản bấp bênh thì mô hình kết hợp trồng trọt-chăn nuôi đã giúp những nông dân như ông Thạo giảm chi phí sản xuất,  tăng thêm thu nhập.

Ông Lê Hữu Thạo – Tổ 2, phường An Phước, thị xã An Khê chia sẻ “Mình ở đây điều kiện đất rộng nên trồng cây dừa, sau đó thì mình cũng kết hợp mô hình ở dưới bóng mát mình chăn nuôi vịt và chăn nuôi gà. Cứ một đợt là khoảng 500 con vịt và 300 con gà, cứ bán lứa này mình nuôi lứa khác. Vịt này thì thời gian nó rất nhanh, chỉ 1,5 tháng là bán rồi///Dừa đó thì 300 cây, cứ bình quân 1 cây/triệu; còn vịt đây cứ 1 con mình lời 10 ngàn đồng thôi; trong thời gian rất ngắn chỉ 1,5 tháng thì 500 con là mình có 05 triệu đồng rồi.”

Phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được nhiều nông hộ ở phường An Phước, thị xã An Khê thực hiện theo phương thức sản xuất đa canh nhằm lấy ngắn nuôi dài, góp phần nâng cao thu nhập. Đến thăm mô hình trồng cây ăn quả trên diện tích 6 ha với các loại như: mít, ổi, na… của ông Huỳnh Công Long mới thấy được ông đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu loại cây phù hợp để đưa vào trồng, cũng như theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của mỗi loại cây ăn quả để có đánh giá chính xác về năng suất, chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Từ những diện tích mía kém năng suất, mô hình đa canh cây ăn quả này đã đem lại thu nhập khá cao mỗi năm.

Ông Huỳnh Công Long – Tổ 3, phường An Phước, thị xã An Khê cho biết “Trước tiên là đam mê, thứ hai là nhìn về thị trường của Gia Lai thì cây ăn trái mà mình chuyển đổi đầu ra tuy khó ban đầu, nhưng mà cây ăn trái của mình làm chất lượng, đúng tiêu chuẩn thì đầu ra không cần phải lo///Tôi làm mô hình này bởi vì đam mê, thứ hai nữa là chuyển đổi mục đích để cho các hộ xung quanh theo mình, để có đầu ra rồi đem lại những niềm vui, giàu có lên từ những mô hình chuyển đổi.”

Ông Nguyễn Ngọc An – Phó Chủ tịch UBND phường An Phước, thị xã An Khê trao đổi “Chủ yếu nhân dân ở đây sống bằng nghề nông nghiệp và chủ yếu là cây mía, cây mỳ. Tuy nhiên về hiệu quả kinh tế thì nó không cao, cho nên khi chuyển qua mô hình này thì có một vài hộ trên địa bàn có thu nhập cũng rất là ổn định. Thì cái này cũng là một nhân tố để phát triển trong thời gian tới///Trách nhiệm của địa phương thì cũng tuyên truyền vận động người dân để làm sao thời gian đến cũng như phối hợp với các cơ quan, ban ngành của thị xã thực hiện các mô hình chuyển đổi để làm sao đem lại hiệu quả cao nhất.”

Dám nghĩ, dám làm và khi đã quyết tâm không ngại khó, ngại khổ; những nông dân chân đất như ông Thạo, ông Long đã cho thấy khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình. Và những mô hình thành công bước đầu này kỳ vọng mở ra hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, thay đổi bộ mặt nông thôn tại địa phương./.

 

Mỹ Tiến – Duy Linh


Lượt xem: 10

Trả lời