Khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Cập nhật 20/5/2020, 16:05:21

Ngày 20/5, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Quốc hội đã bắt đầu phiên họp đợt một của Kỳ họp thứ 9. Theo chương trình, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV sẽ được tiến hành theo 2 đợt: Đợt một  từ ngày 20/5 đến ngày 4/6, Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 điểm cầu trực tuyến của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố; Đợt hai từ ngày 10/6 đến ngày 19/6, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Dự kỳ họp tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có đồng chí: Hồ Văn Niên – Ủy viên dự khuyết BCH TW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các vị đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Ủy viên Bộ Chính  trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Đây là lần đầu tiên, kỳ họp Quốc hội được tiến hành theo hình thức trực tuyến đến các Đoàn ĐBQH trong cả nước nhằm phù hợp với tình hình thực tiễn và đáp ứng với lợi ích của đất nước, nhân dân song vẫn đảm bảo tính dân chủ, khách  quan và chất lượng của kỳ họp. Theo đó, trong đợt một của kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét nhiều nội dung cấp bách và quan trọng, trong đó có báo cáo của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, do vậy, các vị đại biểu Quốc hội cần nghiên cứu, phân tích thấu đáo, đánh giá toàn diện, khách quan nhằm bàn các giải pháp khôi phục kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19, đồng thời thúc đẩy kinh tế-xã hội của đất nước phát triển ổn định, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2020 và kế hoạch 5 năm. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác, chính vì vậy các đại biểu cần phát huy trí tuệ tập thể, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc để góp phần tạo nên chất lượng và thành công của kỳ họp lần này.

Theo chương trình, trong đợt một của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua 10 dự án luật,cho ý kiến đối với 6 dự án luật, đồng thời xem xét, thông qua 3 dự thảo: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam  và Liên minh Châu Âu(EU) (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA); Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức… Trong ngày làm việc đầu tiên, kỳ họp đã dành nhiều thời gian để thảo luận về 3 dự thảo Nghị quyết trên. Theo đó, các đại biểu đánh giá cao về sự cần thiết khi Quốc hội thảo luận và thông qua 3 dự thảo Nghị quyết về các Hiệp định, Công ước nhằm đáp ứng với yêu cầu hội nhập và  phát triển của đất nước, qua đó góp phần đa phương, đa dạng hóa hoạt động kinh tế, thương mại giữa Việt Nam với thế giới, mở rộng thị  trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Các đại biểu cũng đề xuất cần có những cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư khi hiệp định, công ước bắt đầu có hiệu lực thi hành./.

Thiên Thanh, Huy Toàn


Lượt xem: 35

Trả lời