Khách du lịch trải nghiệm tiếng cồng chiêng nơi buôn làng

Cập nhật 05/3/2017, 05:03:00

Có lẽ, bất cứ ai khi nghe những ca từ của bài hát “tháng Ba Tây Nguyên” đều không khỏi xôn xao tâm hồn, muốn xách ba lô đến ngay với vùng đất này. Bởi tháng Ba là một trong những khoảng thời gian đẹp nhất trong năm để du lịch ở vùng đất này.

Và nếu chọn Gia Lai để du lịch và muốn trải nghiệm văn hóa bản địa, du khách hãy tìm về với các ngôi làng đồng bào DTTS, trong đó có các làng  ở huyện Chư Pah.

Nằm cách không xa thành phố Pleiku chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ ngồi xe ô tô, du khách đã được đặt chân đến với những ngôi làng như làng Phung, làng Kép xã Ia Mơ Nông, làng Mơ Rông Yố xã Ia Ka huyện Chư Pah. Những ngôi làng này là những địa chỉ về du lịch văn hóa bản địa thu hút du khách khi đến với Gia Lai và không ít công ty du lịch đã thiết kế tour đưa khách đến đây.

Anh Huỳnh Văn Toản-Hướng dẫn viên du lịch cho biết: “ Đứng ở góc độ một hướng dẫn viên du lịch thì tôi thấy rằng ở Gia Lai một số buôn làng còn giữ được nét văn hóa cổ ví như khi vào khu nhà mồ này thì tôi thấy bà con vẫn giữ nguyên vẹn văn hóa từ ngày xưa”.

 Không chỉ đến với những ngôi nhà mồ để tìm hiểu về quan niệm, người chết cũng có “cuộc sống” riêng, người chết phải có tượng nhà mồ, văn hóa bản địa của đồng bào Jrai còn níu chân du khách bằng những  thang âm điệu thức của những bản cồng chiêng, những nhạc cụ dân tộc. Bởi để hiểu được giá trị của văn hóa cồng chiêng thì không gì bằng sự trãi nghiệm ngay chính buôn làng của họ.

 Một du khách đến từ Hà Nội đã chia sẻ: “Sau khi được trải nghiệm văn hóa cồng chiêng ở đây tôi thấy rất chi là vui vể, cuộc sống của bà con thật là vui tươi, như thể bao nhiêu phiền muộn là qua đi hết. Tôi hy vọng những đoàn khách sẽ được trải nghiệm, học được những bước nhảy cơ bản để cùng múa xoang, cùng gắn kết với nhau hơn”.

Để bảo tồn và phát huy giá trị của cồng chiêng, của nhạc cụ dân tộc, hiện nay cồng chiêng được trình diễn ở nhiều nơi thế nhưng có hòa mình trong tiếng cồng chiêng trên chính mảnh đất đã gắn bó với cuộc sống của người bản địa mới nghe được những giai điệu cồng chiêng của họ âm vang giữa núi rừng, mới thấy hết cái hay, cái hồn của cồng chiêng…. Và tiếng cồng chiêng mãi mãi ngân vang như một lời mời gọi du khách  hãy trải nghiệm cùng tiếng cồng chiêng chính tại mảnh đất này./.

Vân Anh, Duy Linh


Lượt xem: 131

Trả lời