Kbang tìm hướng đi mới cho cây mía

Cập nhật 16/1/2016, 10:01:53

 Hiện nay huyện Kbang đã bước vào vụ thu hoạch mía. Theo nhận định của người nông dân cũng như lãnh đạo các địa phương thì năm nay năng suất cây mía đạt thấp. Trước tình hình đó, vấn đề đáng quan tâm được đặt ra hiện nay là làm sao để cây mía phát huy được hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Kbang là vùng sản xuất mía nguyên liệu tương đối lớn của tỉnh, với tổng diện tích niên vụ 2015 – 2016 là trên 10.600 ha. Diện tích này tập trung ở 8 xã trên địa bàn. Tuy nhiên, những năm qua, việc sản xuất của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ; năng suất, chất lượng mía không đồng đều; hầu như phụ thuộc vào nước trời. Năm nay, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, cây mía cũng bị ảnh hưởng nhiều đến năng suất. Chính vì vậy mà thu nhập của người trồng mía đạt thấp.

          Anh Đinh Chôi, làng Lợt, xã Kông  Bờ La, huyện Kbang nói:  “Năm nay ngoài cây mía làm cánh đồng mẫu lớn, đối với mía đại trà thì năng suất dưới 50 tấn/ha. Người dân trông làm sao chặt được sớm kịp thời vụ, đúng thời điểm trồng trọt, cũng mong  Nhà nước có chương trình gì đó hỗ trợ cho bà con để làm cây mía ngày một đạt năng suất nhiều hơn.”

 Với giá thu mua như hiện nay  900 ngàn đồng/tấn đối với mía 10 chữ đường, sau khi trừ chi phí thì thu nhập của người trồng mía không còn là bao. Xã Kông Bờ La, huyện Kbang hiện có gần 2.300 ha mía. Thời gian qua, việc tìm giải pháp để cây mía phát huy hiệu quả kinh tế là vấn đề được xã quan tâm. Tuy mới thực hiện được 1, 2 năm nhưng đến nay, xã đã có 6 mô hình làm theo cánh đồng mẫu lớn với diện tích gần 70 ha.

 Ông Đinh Bát, Chủ tịch UBND xã Kông Bờ La,huyện Kbang cho biết: ““Trong thời gian qua xã cũng chỉ đạo quyết liệt về công tác thâm canh, nhất là triển khai cánh đồng mẫu lớn, hiện nay dự kiến cũng được 90 – 100 tấn/ha. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con tăng diện tích cánh đồng mẫu lớn, ở một số làng như Klôm, Groi, dự kiến là trên 60 ha; có kế hoạch cụ thể, phối hợp với mặt trận đoàn thể từ xã đến thôn, làng tuyên truyền, vận động bà con để trồng cánh đồng mẫu lớn”.

Ông Bùi Phích, Chủ tịch UBND xã ĐắkHlơ, huyện Kbang nói: “Theo kế hoạch dự kiến trồng khoảng 250 ha mía mới, để đảm bảo diện tích này thì thu hoạch diện tích trà sớm để làm đất, chuẩn bị nước, phù hợp yếu tố thời tiết thuận lợi để trồng đạt kế hoạch. Chúng tôi quan tâm nhất việc triển khai trồng mới, nhất là trồng theo mô hình mẫu lớn chuyên canh cây mía, vận động nhân dân có giải pháp đồng bộ, mong có chính sách quan tâm của nhà máy, chính sách hỗ trợ sản xuất của tỉnh, huyện cho cánh đồng chuyên canh cây mía.”

Mía là cây trồng chủ lực của nhiều xã trên địa bàn Kbang, nhất là các xã phía Nam huyện. Để giúp người nông dân có thu nhập cao từ cây trồng này, huyện đã có phương án xây dựng cánh đồng mẫu lớn chuyên canh cây mía giai đoạn 2016 – 2020. Mục tiêu của huyện là xây dựng mô hình sản xuất mía nguyên liệu tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đồng bộ cơ giới hóa từ khâu trồng, chăm sóc, đến thu hoạch. Trong giai đoạn này huyện dự kiến sẽ hỗ trợ xây dựng 10 cánh đồng lớn chuyên canh cây mía quy mô trên 240 ha. Sản lượng thu hoạch của cả chu kỳ sản xuất là trên 1.200 ha, năng suất bình quân 100 tấn/ha/vụ, chữ đường bình quân từ 10 trở lên. Theo đó, nếu giá thu mua ổn định 900 ngàn đồng/tấn, lợi nhuận mang lại bình quân gần 50 triệu đồng/ha, cao hơn 40% so với sản xuất truyền thống./.

 

 

 

Hồng Hạnh (Đài –TH Kbang)


Lượt xem: 69

Trả lời