KBang : Thu mua mía niên vụ 2014 – 2015 vẫn còn đó nhiều khó khăn

Cập nhật 17/1/2015, 13:01:02

Vụ mía 2014-2015 Kbang đã bước vào thu hoạch được hơn 1 tháng. Tuy nhên, vấn đề được người dân quan tâm nhất hiện nay là giá mía và thời gian chặt đốn. Phóng sự được thực hiện tại huyện Kbang

 

Thu hoạch mía tại Kbang

Niên vụ 2014-2015, Kbang có gần 10.700 ha mía đến kỳ thu hoạch, nhiều nhất là ở các xã phía Nam. Theo nhận định của các địa phương thì mía năm nay phát triển kém hơn so với các năm trước, nhất là những diện tích lưu gốc, bởi thời tiết ít mưa. Bước vào vụ thu hoạch mía năm nay thời tiết có phần thuận lợi, không bị mưa bão như mọi năm. Tuy nhiên, qua hơn một tháng thu hoạch, đến nay tiến độ chỉ mới đạt khoảng 5%. Do vậy, vấn đề mà người dân lo lắng nhất là việc tiêu thụ của các nhà máy và giá cả thu mua. Anh Đinh Srây, làng Lợt, xã ĐắkHlơ, huyện Kbang nói:“Mía thì rẻ, gia đình cũng không có lời nữa, đầu tư hết rồi, nào là phân, giống, tiền máy cày, tiền thuốc nữa.”

 Mặc dù giá mía được các nhà máy đường cam kết là 900.000 đồng/tấn đối với mía 10 chữ đường, nhưng thu nhập của người dân còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: chất lượng mía, điều kiện đường giao thông… Mỗi ha ta mía chi phí đầu tư bình quân  trên 25 triệu đồng. Với giá thu mua như hiện nay thì thu nhập của người trồng mía còn không đáng là bao, và nếu mía đạt sản lượng thấp thì coi như hòa vốn.

 Còn ở xã Kông Bờ La, một trong những địa phương có diện tích mía nhiều nhất huyện Kbang, việc thu hoạch mía của xã trong tháng qua hầu như là ngưng trệ bởi nguyên nhân Nhà máy Đường An Khê nghỉ định kỳ, ngừng cấp phiếu đốn. Theo nhận định của địa phương, thời điểm này năm ngoái người dân ra đồng thu hoạch rất rầm rộ nhưng năm nay thì rất ít. Ông Trần Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Kông Bờ La, huyện Kbang chia sẻ: “Với trách nhiệm của chúng tôi thì rất mong nhà máy đường phải có cơ chế cho nhân dân được chặt mía theo qui hoạch để cho người dân có tiền tiêu tết. Mặt khác đa số lãnh đạo địa phương cũng đều phụ thuộc vào nhà máy thôi, đây là do cách sắp  xếp, thu mua nguyên liệu của nhà máy, người ta cho chặt thì chặt mà không cho chặt thì người dân cũng thực sự là bó tay.”

 Việc thu hoạch mía chậm như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề về đời sống của người dân, tái sản xuất. Vậy nên phòng ban chuyên môn ở huyện Kbang cần phối hợp với các địa phương có tác động với các đơn vị thu mua để đảm bảo cho công tác này. Ông Nguyễn Hữu Chiêu,  Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kbang đề nghị: “Theo báo cáo của các xã là phát phiếu đốn rất ít thì trên cơ sở khảo sát các cùng mía chín thì đề nghị nhà máy, các trạm thu mua phối hợp với xã để mà thu mua mía cho bà con nhân dân, làm sao hạn chế thiệt hại thấp nhất, đảm bảo càng sớm càng tốt để đưa vào chăm sóc và triển khai trồng mới” .

 Lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Kbang cũng cho biết thêm: ngày 30/12/2014, Nhà máy Đường An Khê đã có thông báo tăng giá thu mua tại nhà máy lên  1 triệu đồng/tấn đối với mía 10 chữ đường nhưng qua trao đổi với các xã thì có nhiều địa phương vẫn chưa nhận được thông tin này. Cây mía là một trong những cây trồng chủ lực của các xã phía Nam huyện Kbang. Chính vì vậy, việc làm sao để cây mía thực sự mang lại nguồn thu nhập cho người dân thì đòi hỏi phải có những thay đổi trong vấn đề quy hoạch, phương thức sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật để tăng năng suất và đảm bảo thu hoạch theo đúng tiến độ./.

Hồng Hạnh ( Đài TT-TH Kbang)


Lượt xem: 57

Trả lời