Kbang tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa nước vụ mùa.

Cập nhật 29/9/2013, 09:09:22

Vụ Mùa 2013, huyện Kbang gieo cấy được hơn 1.200 héc ta lúa nước. Do thời tiết nắng mưa xen kẽ nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh, phát triển và gây hại. Trước vấn đề này, huyện Kbang đã tập trung triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa đồng thời khuyến cáo bà con nông dân cần chủ động phòng trừ kịp thời, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng lúa vụ mùa.

 

Cán bộ Trạm bảo vệ thực vật huyện Kbang hướng dẫn bà con nông dân kiểm tra sâu bệnh hại trên cây lúa nước. 

 

Vụ Mùa 2013, xã Sơ Pai, huyện Kbang gieo cấy được 145 héc ta lúa nước, bằng các loại giống Tám thơm, RVT, Nhị ưu 838 và Bắc thơm số 7… Hiện nay trà lúa chính vụ đang bước vào giai đoạn làm đòng, trổ bông. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên trên một số đám ruộng đã xuất hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại.

Qua trò chuyện chúng tôi được ông Nguyễn Xuân-Thôn 2, xã Sơ Pai, huyện Kbang nói: “Vụ Đông Xuân thu hoạch xong gia đình tôi tiếp tục cày bừa đất gieo sạ vụ Mùa. Tới thời điểm này lúa đang đứng cái, làm đòng mà nó bị sâu bệnh, rầy nâu, vàng lá, đạo ôn lá lúa. Trước tình hình sâu bệnh như thế, qua kiểm tra, Trạm Bảo vệ thực vật hướng dẫn gia đình tôi mua thuốc về phun để cho bớt sâu bệnh”.

Theo điều tra của Trạm Bảo vệ thực vật: Hiện nay huyện Kbang có hơn 400 héc ta lúa nước bị các đối tượng sâu bệnh, như: sâu cuốn lá lớn, bệnh đạo ôn lá, bệnh cháy đầu lá, bệnh nghẹt rễ và chuột gây hại rải rác, đặc biệt là trên diện tích trà lúa chính vụ ở các xã Sơ Pai, Tơ Tung, Lơ Ku, Đăk Smar, Krong… Để hạn chế sâu bệnh gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng, hàng tháng, Trạm Bảo vệ thực vật huyện có dự báo kịp thời về tình hình sâu bệnh gây hại trên cây lúa nước tại từng vùng; đồng thời tăng cường hướng dẫn bà con nông dân cách phòng trừ các đối tượng sâu bệnh và khuyến cáo các địa phương có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn khắc phục kịp thời.

Qua trao đổi ông Nguyễn Thế Cường-Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơ Pai, huyện Kbang cho biết: “Trong thời gian đầu cây lúa sinh trưởng phát triển rất tốt, nhưng trong thời gian vừa qua thời tiết nắng mưa xen kẽ bị 1 số đối tượng sâu bệnh gây hại, sau khi phát hiện các loại sâu bệnh thì chính quyền địa phương chỉ đạo cho cán bộ Khuyến nông, nông nghiệp phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật xuống các thôn, làng để tập hợp các hộ dân tổ chức tập huấn triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bênh hại trên cây lúa nước”.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, để bảo vệ diện tích hiện có, bà con nông dân cần chủ động các biện pháp phòng ngừa. Cụ thể là thường xuyên thăm ruộng lúa, sớm phát hiện bệnh, nhận diện bệnh chính xác và có biện pháp phòng ngừa kịp thời và hữu hiện. Trong quá trình xử lý bệnh cần tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc “4 đúng”; chú ý khi phun thuốc phải sử dụng lượng nước vừa đủ và phun đúng kỹ thuật, sao cho tất cả các bộ phận của cây lúa, từ lá, thân đến bẹ lá và gốc lúa đều được tiếp xúc với thuốc thì mới hiệu quả; tránh phun thuốc vào ngày mưa, sương mù. Mặt khác, bà con phải đảm bảo đủ nguồn nước cho cây lúa sinh trưởng, ngăn chặn chuột phá hoại. Mô tả thêm về một số biểu hiện của sâu bệnh hại ông Trương Văn Tuất-Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Kbang cho biết: “Trong giai đoạn làm đòng 1 số triệu chứng gây hại trên cây lúa nước như bệnh khô đầu lá, nếu bà con thấy đầu lá của cây lúa khô đây là do nấm gây hại, bệnh khô vằn sẽ thấy dưới gốc cây lúa bị khô thối rễ rất dễ bị đổ ngã đây là 1 cách phát hiện và sau khi phát hiện bà con mua đúng loại thuốc, bệnh khô đầu lá dùng thuốc CapbinZim và Capxin để phòng trừ và mua đúng các loại thuốc như Trạm đã hướng dẫn để phòng trừ có hiệu quả, tránh hiện tượng bệnh này mua thuốc nọ”.

Bệnh khô đầu lá ở cây lúa nước vụ mùa.

Hy vọng rằng, với việc chủ động và tăng cường công tác phòng trừ thì tình hình sâu bệnh gây hại trên cây lúa nước vụ Mùa sẽ được ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại để giúp bà con nông dân có vụ lúa Mùa bội thu./. 

 

Ctv: Thúy Điểm


Lượt xem: 301

Trả lời