Kbang tập trung chuyển đổi những diện tích mía kém hiệu quả

Cập nhật 21/12/2018, 09:12:52

Là một trong những cây trồng chủ lực ở địa phương song những năm gần đây lợi nhuận đem lại từ cây mía không cao, nên nhiều bà con nông dân trên địa bàn huyện Kbang đã lựa chọn chuyển những diện tích đất trồng mía kém hiệu quả sang những loại cây trồng khác, bước đầu đã có những tín hiệu khả quan.

Đây là vườn quýt có diện tích 2 ha được gia đình ông Trần Kim Hoàng (thôn Hbang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) chuyển đổi từ cây mía cách đây hơn 2 năm. 1.200 gốc quýt nhà ông nay đã bước vào vụ bói và chuẩn bị thu hoạch bán trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Mới chỉ thu bói song theo tính toán của ông Hoàng vườn quýt này sẽ đem về gần 500 triệu đồng. Và hiện nay ông đang tiếp tục chuyển hết 7 ha mía của gia đình sang trồng cây ăn quả.

Ông Trần Kim Hoàng, Thôn Hbang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang tâm sự: “Lý do tôi chuyển đổi cây ăn trái đây là vùng đất đây trồng cây ăn quả phù hợp; thứ 2 nữa là lợi nhuận đem lại từ cây mía không còn cao nữa; mía trừ chi phí đi rồi có khi lại lỗ, không đủ vốn. Còn trồng cây ăn trái này giả sử mình cho 1 cây 20 kg và trong vòng 30 tháng mình thu thì bán với giá 20.000 đồng một ký thì một gốc cho 400 ngàn.”

Ngoài cây ăn quả thì sả Java là loại cây mới được người dân huyện Kbang đưa vào trồng trên những diện tích mía kém hiệu quả với tổng diện hiện nay là khoảng 40 h; tập trung ở các xã khu vực trung tâm và phía Nam huyện. Theo bà con nông dân cho biết: Sau 3 tháng trồng, chăm sóc sẽ bắt đầu thu hoạch và kéo dài trong vòng 14 tháng. Ban đầu, đơn vị đầu tư sẽ thu mua cả gốc, lẫn củ song sau đó chỉ thu mua lá. Theo tính toán, nếu đơn vị đầu tư thu mua với giá cam kết ban đầu là 2.000 đồng/kg lá thì lợi nhuận đem lại cho người nông dân sẽ cao hơn nhiều so với trồng mía.

Anh Lã Văn Thưởng, Làng B’Ngăl, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang chia sẻ: “Trước diện tích nhà tôi đây trồng mía song 2, 3 năm nay mía kém năng suất, giá cả không đảm bảo lợi nhuận cho người dân nên nhà tôi nhận đầu tư của Công ty sả 1,2 ha. Và với giá 2.000 đồng mà được 70 tấn thì được 140 triệu mà trừ đi chi phí người dân còn được từ 40 đến 50 triệu.”

Huyện Kbang hiện có trên 10.000 ha mía, vượt hơn 3.000 ha so với quy hoạch phát triển vùng nguyên mía đến năm 2020. Những năm gần đây, lợi nhuận đem lại từ cây mía không cao, do đó, hiện nay, địa phương đang tính toán để chuyển đổi đối với những diện tích không phù hợp.

Ông Mã Văn Tình, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Kbang cho biết: “Huyện sẽ quy hoạch lại diện tích mía và sẽ chuyển đổi một số diện tích vượt quy hoạch để chuyển sang loại cây trồng khác để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối với những diện tích chân ruộng cao, gò đồi, độ màu mỡ giảm thì sẽ chuyển sang trồng rừng; còn đối với diện tích gần khe suối, có nguồn nước thì sẽ chuyển sang các loại cây ngắn ngày khác có hiệu quả kinh tế cao hơn và một số diện tích sẽ trồng cây ăn quả.”

Trước hiệu quả của cây mía đem lại không cao thì việc chuyển đổi sang các loại cây trồng khác là điều hết sức cần thiết. Song vấn đề đặt ra là ngành chuyên môn và chính quyền địa phương cần có định hướng cụ thể cho bà con nông dân nhằm đảm bảo đầu ra ổn định, tránh phát triển một cách tự phát, ồ ạt làm phá vỡ quy hoạch cây trồng trên địa bàn./.

Đức Hải.


Lượt xem: 58

Trả lời