Kbang phát huy vai trò của các tổ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng

Cập nhật 14/7/2023, 09:07:01

Với hơn 120.000 ha, huyện Kbang là địa phương có diện tích rừng tự nhiên nhiều nhất tỉnh. Những năm qua, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện Kbang đã phát huy vai trò của các tổ nhận khoán trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ đó, đã góp phần hạn chế, kéo giảm các vụ việc xâm hại đến tài nguyên rừng.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đak Rong được giao quản lý 15.600 ha rừng. Trong đó, đơn vị đã tổ chức giao khoán cho hơn 800 hộ dân ở 11 cộng đồng làng đồng bào Bahnar trên địa bàn xã Đak Rong, huyện Kbang. Lâm phần rộng lại tiếp giáp với 2 tỉnh Kon Tum, Bình Định; trong khi lực lượng bảo vệ rừng mỏng nên đơn vị thường xuyên phối hợp với các tổ nhận khoán tuần tra, kiểm soát trên diện tích được giao quản lý. Ngoài ra, với đặc thù các làng đồng bào Bahnar trên địa bàn đều sinh sống, canh tác gần rừng nên Công ty Lâm nghiệp Đak Rong cũng phối hợp chặt chẽ với các tổ nhận khoán đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân ký cam kết không xâm hại đến tài nguyên rừng.

Ông Đinh Văn Tiệp – Làng Kon Vol 2, xã Đak Rong, huyện Kbang cho biết: “Đối với gia đinh tôi thì đã cam kết là không lấn, phá rừng. Khi phát hiện có vụ vi phạm thì cũng sẽ báo cho nhân viên bảo vệ rừng.”

Ông Trần Đình Sang – Nhân viên bảo vệ rừng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đak Rong, huyện Kbang nói: “Từ khi giao khoán rừng cho người dân thì trên địa bàn xã nói chung và địa bàn làng Kon Vol 2 nói riêng người dân chấp hành tốt. 5 năm trở lại đây thì không có hộ dân nào vi phạm. Người dân cũng đã nâng cao nhận thức khi phát rẫy thì cũng báo cho chúng tôi để kiểm tra xem nếu có trong đất rừng thì không được phát và nếu đất nông nghiệp thì người dân mới phát.”

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Kbang có gần 36.300 ha rừng được giao khoán cho 44 cộng đồng làng, 74 nhóm hộ và 22 hộ dân quản lý, bảo vệ, chiếm gần 1/3 tổng diện tích rừng tự nhiên toàn huyện. Khi được giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, các tổ, cộng đồng dân cư đã phân công từng nhóm để đi kiểm tra hoặc phối hợp với các đơn vị chủ rừng tuần tra trên diện tích được giao quản lý nhằm kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các vụ việc vi phạm.

Ông Đinh Dăn – Tổ trưởng Tổ nhận khoán bảo vệ rừng, Làng Hà Nừng, xã Sơn Lang, huyện Kbang trao đổi: “Đối với làng Hà Nừng thì lâm trường khoán bảo vệ 1.100 ha. Và chúng tôi chia thành 4 nhóm và trong tháng thì đi tuần tra vào gày 15 hàng tháng. Khi phát hiện các vụ vi phạm thì sẽ báo ngay cho lâm trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức họp dân làng để tuyên truyền bà con không được phát lấn đất rừng hay chặt cây làm nhà là bị cấm.”

Ông Bùi Cao Đỉnh – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hà Nừng, huyện Kbang cho biết: “Chúng tôi giao khoán ổn định cho 14 nhóm trong 5 cộng đồng làng. Thời gian qua thì các cộng đồng làng cũng thường xuyên phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đi tuần tra, kiểm tra rừng và kịp thời phát hiện các vụ việc xảy ra.”

Nhờ phát huy được vai trò của các tổ, cộng đồng dân cư nhận khoán cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị nên công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Kbang đã có những chuyển biến tích cực. Số vụ vi phạm trong giai đoạn 2018 – 2022 giảm hơn 40% so với giai đoạn 2013 – 2017. Song để thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, không để trở thành “điểm nóng” thì cùng với đẩy mạnh công tác giao khoán,  cấp ủy, chính quyền huyện Kbang cần có biện pháp để tạo sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân cư sống, canh tác gần rừng.

Đức Hải – R’Piên – Thanh Sáng

 


Lượt xem: 30

Trả lời