Kbang nỗ lực phòng, chống hạn trên cây trồng

Cập nhật 09/4/2020, 08:04:57

Từ cuối năm 2019 đến nay trên địa bàn huyện Kbang thời tiết liên tục khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt kéo nên tác động xấu đến sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm và sinh hoạt, đời sống của nhân dân trong huyện. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng và các xã, thị trấn, cùng nhân dân trên địa bàn huyện Kbang đang tập trung huy động nhiều nguồn lực để chống hạn trên cây trồng.

Toàn xã Tơ Tung, huyện Kbang chỉ có cánh đồng Đê Ba sản xuất lúa nước ổn định trong nhiều năm nay. Những ngày qua, nhiều nông dân thường xuyên có mặt tại đồng ruộng để nạo vét kênh mương, điều tiết nguồn nước hợp lý từ đập dâng Đê Ba cung cấp để chống hạn theo phương châm “còn nước còn tát”.

Chị Lý Thị Thể – Làng Trường Sơn, xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Việc sản xuất trên cánh đồng này phụ thuộc nguồn nước từ đập dâng Đê Ba. Từ khi sạ lúa đến giờ trời không mưa, nên đêm hôm nông dân cùng ở lại cánh đồng để lấy nước tưới cho cánh đồng”.

Để tránh hạn, chính quyền xã Tơ Tung đã vận động nông dân tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 trên cánh đồng Đê Ba sớm hơn nửa tháng so với thường lệ; đồng thời mua 2 máy bơm để hút nước từ các suối nhỏ vào mương, cùng với nguồn nước từ đập dâng Đê Ba cung cấp tưới cho diện tích lúa. Với phương án trên thì khoảng 80/90 ha lúa trên cánh đồng có thể cầm cự trước nắng nóng gay gắt.

Ông Trần Xuân Nam – Chủ tịch UBND xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Xã đã bố trí lực lượng dân quân trực để tổ chức điều tiết nước luân phiên tại các khu vực trên cánh đồng; đồng thời vận động nông dân trực để lấy nước từ đập dâng Đê Ba nhằm khắc phục đến mức tối đa thiệt hại do nắng hạn gây ra”.

Trên địa bàn huyện Kbang hiện có 37 công trình thủy lợi với tổng năng lực tưới cho 960 ha cây trồng, trong đó 796 ha lúa nước. Dù tại hầu hết các công trình mực nước đã xuống thấp, nhưng với những cách làm phù hợp nên đã hạn chế thiệt hại do nắng hạn gây ra trên cây lúa và các loại cây trồng ngắn ngày.

Ông Tô Văn Phán – Chủ tịch UBND huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn dự báo tình hình, sau đó đề ra các biện pháp phòng, chống hạn phù hợp; trong đó vận động nông dân sản xuất sớm hơn thời vụ trong vụ Đông Xuân 2019-2020; vận động nhân dân mua máy bơm và thực hiện các biện pháp khác để tận dụng tối đa các nguồn nước để tưới cho cây trồng. Bởi vậy nhiều diện tích tránh được hạn, chỉ có những diện tích cây trồng của đồng bào Bahnar sản xuất muộn nên bị thiệt hại do hạn hán”.

Toàn huyện Kbang hiện có 22 ha cây trồng, gồm lúa và một số cây ngắn ngày bị thiệt hại do nắng hạn, nhưng có nhiều diện tích mía bị thiệt hại bởi phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Hơn nữa, giá mía lại thấp nên càng gây khó khăn, thiệt hại đối với nhiều nông dân.

Ông Bùi Phích – Chủ tịch UBND xã Đăk Hlơ, huyện Kbang, Gia Lai cũng nói: Xã Đak Hlơ đã hình thành vùng sản xuất mía có quy mô lớn nhưng nắng hạn đã gây thiệt hại rất lớn. Hơn 50% diện tích bị thiệt hại từ 30-70% và 37% diện tích bị thiệt hại hơn 70%, còn lại nhiều diện tích thì mất trắng. Nắng hạn còn ảnh hưởng đến tình hình chăn nuôi, phát triển kinh tế ở địa phương…

Từ thực tế địa phương liên tiếp bị thiệt hại nặng do hạn hán, huyện Kbang cần có những giải pháp mang tính lâu dài và đem lại hiệu quả hơn nữa để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững./.

Hà Đức, Đức Hải, R’Piên


Lượt xem: 42

Trả lời