Kbang nhân rộng cánh đồng mía lớn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật 11/7/2018, 08:07:01

Từ thành công ban đầu khi bắt tay thực hiện cánh đồng mía lớn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, niên vụ 2017 – 2018 này, Kbang tiếp tục nhân rộng tại nhiều xã trên địa bàn huyện với 169 hộ đồng bào dân tộc Bahnar tham gia. Việc làm này không chỉ góp phần tích cực thay đổi tập quán canh tác, mà hơn cả giúp mỗi người dân tham gia chuỗi giá trị sản xuất trên cánh đồng mía lớn phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo.

Trước đây, cánh đồng Mơ Trai thuộc Thôn 5, xã Krong rộng hơn 50ha được người dân chủ yếu trồng lúa và bắp, song hiệu quả đem lại không được bao nhiêu. Sau khi khảo sát và liên kết với Nhà máy đường An Khê, huyện Kbang đã vận động người dân dồn điền tham gia cánh đồng mía lớn. Thấy được lợi ích đem lại sau này, ai nấy cũng vui mừng tham gia.

Chị Đinh Thị Tuêch – làng Bờ Ngăn, xã Krong, Kbang, Gia Lai nói: “Bữa nay được Nhà máy đường An Khê đầu tư mía, phân bón nên mình phải chăm sóc mía cho tốt, sau này thu hoạch thì có tiền”.

Anh Nhrơng – Bí thư chi bộ làng Bờ Ngăn, xã Krong, Kbang, Gia Lai cho biết: “Vận động bà con phải chuyển trồng cây mía để có hiệu quả hơn. Các ban ngành trong làng cũng mừng vì cây mía phát triển rất tốt”.

Niên vụ 2017-2018, huyện Kbang tiếp tục phát triển thêm 3 cánh đồng mía lớn tổng diện tích hơn 127 ha với 169 hộ đồng bào Bana tham gia. Trong đó cánh đồng Thôn 5, xã Krong 50 ha/109 hộ; cánh đồng làng Klôm, làng Lợt xã Kông Bờ La: 77,4ha/60hộ. Đồng thời, huyện đã mở rộng thêm diện tích các cánh đồng mía lớn của niên vụ trước 37,2 ha tại xã Lơ Ku, Đak Hlơ và Tơ Tung.

Anh Mã Văn Tình – Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Việc người dân tham gia cánh đồng mía lớn thì tổ hợp tác cánh đồng mía lớn hợp đồng trực tiếp với Nhà máy đường An Khê, không thông qua các đại lý, các hộ tư thương nên hộ dân được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ như phân bón, giống mía không tính lãi suất đầu tư. Cùng với đó, việc làm này sẽ góp phần giảm tình trạng cho thuê đất, sang nhượng đất trái phép trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó thay đổi phương thức, tập quán sản xuất của người dân, góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế cho người dân”.

Đến thời điểm này huyện Kbang đã phát triển được 11 cánh đồng mía lớn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tổng diện tích 432ha. Ưu điểm lớn nhất khi người dân tham gia cánh đồng mía lớn đó là được chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm khi đến thời kỳ thu hoạch. Theo đánh giá của Nhà máy đường An Khê, với việc áp dụng đúng quy trình chăm sóc, 1ha mía trên cánh đồng lớn cho năng suất từ 90 đến 120 tấn. Chính sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất nông nghiệp giữa doanh nghiệp, địa phương, ngành chức năng và người nông dân đã mở ra những cơ hội mới, mà đích đến đó là giúp người nông dân phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống./.

Đoàn Bình, Minh Trung


Lượt xem: 72

Trả lời