Ia Pết tích cực tạo việc làm cho lao động nông thôn

Cập nhật 04/12/2023, 13:12:10

Là địa phương có 89% là người DTTS, người dân chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp, nên thời gian qua xã Ia Pết đã tích cực và chủ động phối hợp triển khai các dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, khôi phục nghề truyền thống và mở … Continue reading “Ia Pết tích cực tạo việc làm cho lao động nông thôn”

Là địa phương có 89% là người DTTS, người dân chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp, nên thời gian qua xã Ia Pết đã tích cực và chủ động phối hợp triển khai các dự án hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, khôi phục nghề truyền thống và mở rộng kinh doanh dịch vụ, đồng thời tạo điều kiện cho người dân được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội huyện để sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Cùng với việc khuyến khích, hỗ trợ người dân tạo việc làm tại chỗ, xã Ia Pết còn tăng cường hoạt động tìm kiếm, hỗ trợ thông tin về việc làm, giới thiệu lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, các công ty trong và ngoài huyện và phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người dân. Từ đầu năm đến nay, xã đã phối hợp mở một lớp dạy nghề may công nghiệp cho 30 lao động và hướng dẫn làm thủ tục cho 20 em học sinh đã tốt nghiệp THCS, THPT tham gia học nghề tại trường Cao đẳng Gia Lai. Cũng trong thời gian này, trên địa bàn xã đã có gần 100 người được giới thiệu đi làm việc tại các công ty trong và ngoài huyện; gần 550 lượt hộ được vay nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình.

Ông Nguyễn Song Toàn- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Pết, huyện Đak Đoa cho biết: “Về giải quyết công ăn  việc làm trên địa bàn của xã, trong năm xã cũng đã tổ chức được phiên chợ việc làm người dân rất hào hứng và tham gia rất đông trong buổi phiên chợ việc làm tại xã. Qua đó cũng đăng ký một số nghề và đăng ký làm việc tại một số công ty, đặc biệt là công ty chuối nông nghiệp xanh Hưng Sơn. Ngoài ra 1 số nghề như đan lát, làm cối để kiếm thêm thu nhập cho người nông dân trong lúc nông nhàn, đặc biệt là nghề đan lát, trung bình 1 người nếu làm đảo bảo 1 ngày có thể được 2 cái gùi, trung bình 1 cái gùi trị giá 150 đến 200 nghìn đó là để kiếm thêm thu nhập và phát triển kinh tế trên địa bàn xã Ia Pết”.

 Bên cạnh đó, xã đã khuyến khích người dân trên địa bàn duy trì và phát triển các nghề truyền thống để vừa tăng thu nhập, vừa bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Cụ thể như tại làng Breng, nhiều lao động vẫn duy trì nghề làm cối gỗ phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Bình quân mỗi chiếc cối có giá bán từ 200.000đ đến 500.000 đồng tùy theo từng loại lớn, nhỏ, nên bà con cũng có thu nhập khá ổn định từ nghề truyền thống này.

  Anh Thin, làng Breng, xã Ia Pết huyện Đak Đoa chia sẻ: “Trong thời gian qua thì nói chung nhân dân thôn rất khó khăn từ khi người dân biết làm cối gỗ thì bà con có thêm thu nhập một ngày có thu nhập bán cối từ 200 đến 300 nghìn đồng một người làm . Nói chung cối gỗ ông già hồi xưa làm tới giờ mình làm theo, hiện tại thì  gối gỗ làm ra bán cho người dân huyện K’Bang, K ông Chro, Đức Cơ tiêu thụ để tăng thu nhập. Cối gỗ làm từ lâu rồi, tới giờ vẫn cố gắng làm, vẫn duy trì tới giờ luôn”.

Trước đây người dân thôn Ngơm Thung xã Ia Pết đan gùi chủ yếu để phục vụ trong gia đình, đựng các đồ dùng trong nhà, nhưng từ năm 2007 đến nay mặt hàng này được nhiều khách hàng đặt mua với số lượng lớn, nên nghề đan gùi của người dân trong làng ngày càng phát triển.

Anh Rinh là một trong những người có tay nghề đan lát khéo nhất nhì trong làng. Các sản phẩm của anh làm ra  bền và đẹp, họa tiết hoa văn tinh tế, nên được khách hàng ưa chuộng, nhiều khách hàng từ các tỉnh Kon Tum, thành phố Hồ Chí Minh và ở Lào, Campuchia tìm đến để mua và đặt hàng với số lượng lớn. Ngoài ra anh còn thường xuyên đưa các sản phẩm đan lát đi trưng bày và bán tại các hội chợ, sự kiện văn hóa của huyện, của tỉnh. Hiện bình quân mỗi ngày anh Rinh đan được 1 chiếc gùi lớn hoặc 2 chiếc gùi nhỏ, với giá bán từ 200 ghìn đồng đến 800 nghìn đồng/chiếc (tùy loại), mỗi tháng anh có thu nhập trên 12 triệu đồng.

Anh Rinh, làng Ngơm Thung, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa tâm sự: “Mình đan gùi từ nhỏ, mình học chỗ ông chú từ lúc còn học lớp 5, trong làng mình thì nghề đan gùi do ông già trước để lại, có gùi mà đi xách nước, gùi gieo lúa, đi đám ma và đi lễ hội, đồng bào mình thì cần cái gùi. Trong làng thì có người bán, có người đan. Thu nhập trong gia đình mình 1 tháng thì được mười hay mười một triệu gì đó, trong làng mình thì trẻ nhỏ và phụ nữ người nào cũng biết đan gùi, mùa mưa thì đi làm ruộng rẫy, xong rồi làm cỏ và mọi việc đều xong rồi lại đan gùi để cho gia đình mình tăng thêm nguồn thu nhập“.

Việc tích cực phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi; tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động ở địa phương của xã Ia Pết trong thời gian qua đã góp phần nâng cao đời sống của người dân và từng bước thúc đẩy kinh tế của xã ngày càng phát triển./.

Phương An-Quốc Toản- Ngọc Định.


Lượt xem: 6

Trả lời