Ia Pa liên kết sản xuất giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Cập nhật 02/1/2018, 09:01:15

Mô hình liên kết “3 nhà” trong phát triển cánh đồng mỳ lớn tại xã Ia Tul của huyện Ia Pa được xem là bước đi phù hợp, tạo đòn bẩy giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, người dân khi tham gia mô hình không chỉ được hỗ trợ vay vốn, được chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản, mà còn được phía nhà máy bảo hiểm giá nhằm phòng ngừa những rủi ro trong quá trình cây mỳ bước vào thời kỳ thu hoạch.

Khác với cách trồng thuần túy trước đây, 32 hộ dân người Jrai ở buôn Tơ Khế, Bi A và buôn Lanh, xã Ia Tul tham gia mô hình trên diện tích 30ha trong năm 2017 đều được chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch. Đặc biệt để giống mỳ mới KM419 cho năng suất cao nhất, tất cả các hộ đều chuyển từ cách trồng nằm sang trồng đứng. Sự thay đổi này đã phát huy hiệu quả rõ rệt.

       Ông Ksor Trim – Thôn trưởng Buôn Tơ Khế, xã Ia Tul, Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Trồng đứng thì thấy hiệu quả rất là cao. Trước đây trồng nằm thì thu hoạch 6 đến 7 tấn/1ha là hết rồi, còn bây giờ cảm thấy phải đạt trên 20 tấn/1ha. Dân ở thôn rất là phấn khởi, vui mừng khi có chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Giá mỳ tươi năm nay được thu mua ngay tại rẫy đạt 1.400 đồng/kg (cao hơn mức giá thu mua các năm trước 400-600 đồng/kg). Chính vì vậy, hầu hết các hộ tham gia mô hình đầu tư mới đều thu được lợi nhuận khá cao.

Theo anh Nay Sar – Buôn Bi A, xã Ia Tul, Ia Pa, Gia Lai cho biết: Vụ này anh dồn đất canh tác 8 sào mỳ, đến khi thu hoạch, trừ chi phí anh thu lời gần 20 triệu đồng. Rất thuận lợi và hiệu quả nữa, Một năm mình chỉ trồng và chăm sóc có 1 lần thôi rồi thu hoạch”.

Mô hình hợp tác đầu tư 3 bên (ngân hàng-nông dân-nhà máy) là phương thức đầu tư khép kín, mang lại lợi ích cho các bên tham gia. Chính từ hiệu quả đem lại rõ rệt, hiện nay rất nhiều bà con Jrai tại Ia Tul đã đăng ký tham gia cánh đồng mỳ lớn.

Ông Đỗ Hoàng Châu – Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tul, Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Sang năm 2018, kế hoạch của chúng tôi phối hợp với ngân hàng, nhà máy mỳ và chính quyền địa phương thì vận động bà con tăng diện tích lên hơn 200ha trên địa bàn xã”.

Theo đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Ia Pa cho biết: Để người dân gắn bó với cây mỳ, đơn vị sẽ trực tiếp rót vốn đầu tư thông qua tổ liên kết, điều này sẽ góp phần giảm được tình trạng “tín dụng đen” ở khu vực nông thôn. Đồng thời hợp tác chặt chẽ với Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm Việt Nam bao tiêu sản phẩm và bảo hiểm giá cho người trồng mỳ.

Ông Phạm Văn Nhận – GĐ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Ia Pa, Gia Lai cho biết: “Phía nhà máy sẽ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm và bảo hiểm giá cho người dân với giá là 1.300 đồng/1kg mỳ tươi. Nếu dưới giá đó thì nhà máy vẫn thu với giá là 1.300 đồng, còn trên thì nhà máy sẽ thu mua theo giá thị trường. Về phía Ngân hàng khi đã có hợp đồng “ tay 3” sẽ tiếp tục tạo điều kiện vốn cho người trồng mỳ. Cụ thể như vốn cày đất, giống, phân bón, công chăm sóc rồi thu hoạch”.

Việc liên kết trong phát triển cánh đồng mỳ lớn tại Ia Tul, Ia Pa được xem là điểm sáng trong phát triển kinh tế, giúp bà con dân tộc thiểu số nơi đây có cuộc sống ngày càng no ấm. Trong lộ trình tiếp theo, huyện Ia Pa sẽ nhân rộng mô hình này tại nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện./.

Đoàn Bình,Thanh Sáng


Lượt xem: 47

Trả lời