Ia Lâu tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc

Cập nhật 22/3/2017, 14:03:15

Trước đây, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông chỉ có 2 làng đồng bào dân tộc Jrai là làng Tul và làng Đút. Bắt đầu từ năm 1992, đồng bào Mường, Tày, Nùng, Mông… ở các tỉnh phía Bắc vào định cư tại địa phương. Chính vì vậy, việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân luôn được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã đặt lên hàng đầu và coi đây là nhiệm vụ then chốt.

Trong ký ức của ông Nông Văn Lân, thôn Bắc Thái xã Ia Lâu vẫn còn nhớ như in về vùng đất đầy khó khăn này cách đây 25 năm. Lúc ấy, Ia Lâu như một ốc đảo, người dân chỉ biết làm lúa một vụ. Cuộc sống không đảm bảo cái ăn, cái mặc.

Ông  Lân cho biết: “ Khi chúng tôi đến, chúng tôi bàn với nhau tổ chức hướng dẫn bà con cách làm lúa nước. Chúng tôi đã kết nghĩa giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn. Nhờ đó đến nay tình đoàn kết ngày càng tốt hơn”.

Đồng bào các dân tộc nơi khác đến Ia Lâu  không chỉ làm giàu cho riêng mình mà còn giúp đỡ bà con dân tộc thiểu số trong vùng biết cách làm ăn, xây dựng cuộc sống mới. Mối đoàn kết giữa các dân tộc nơi đây ngày càng gắn bó bền vững. Học tập và làm theo người Dao, Tày, Mường bà con người J’rai ở các buôn làng đã tiến bộ nhiều, biết làm lúa nước, trồng cây công nghiệp, không còn nạn đói kinh niên, nhiều hộ đã có của ăn của để.

 Anh Siu Thích –  Thôn trưởng làng Tul, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, Gia Lai cho biết: “Trong thời gian kết nghĩa đã giúp đỡ lẫn nhau về cách làm lúa nước, trồng cây điều. Cuộc sống bây giờ ổn lên rất nhiều”.

Xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) có diện tích đất tự nhiên trên 12.099 ha, dân số  trên 11.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 92%. Việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn được xã chú trọng và xem đây là nội dung quan trọng góp phần ổn định an ninh chính trị. Ngoài  lúa nước là cây trồng chủ lực, xã còn  kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, tạo việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống để người dân phát triển sản xuất. Đến nay, toàn xã chỉ còn 395 hộ nghèo (chiếm 19,42%), thu nhập bình quân đầu người 18 triệu đồng/tháng.

Ông Rơ MahPát- làng Đút xã Ia Lâu, huyện ChưPrông, Gia Lai nói: “Nhờ sự giúp đỡ chúng tôi đã biết trồng  cao su, tiêu. So với mấy năm cuộc sống đỡ hơn trước rồi”.

Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, xã Ia Lâu đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Xã vận động người dân không chặt phá rừng làm rẫy, tích cực tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, văn minh. Đến nay, toàn xã có 6/13 thôn, làng văn hóa và 1.203 gia đình văn hóa.

Ông Nông Văn Hoàng-Bí thư Đảng ủy xã Ia Lâu khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, sự điều hành của chính quyền địa phương an ninh chính trị đảm bảo giữ vững, kinh tế phát triển. Trong những năm qua không có trường hợp vượt biên trái phép, công tác hòa giải cũng rất tốt”.

Ia Lâu đang ngày càng khởi sắc. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước đang được tích cực triển khai đã huy động sự chung sức đồng lòng của đồng bào các dân tộc nơi đây. Hy vọng rằng trong tương lai không xa, Ia Lâu sẽ có thêm những bước phát triển, góp phần tạo nên một diện mạo mới cho huyện biên giới Chư Prông.

Thiên Nga- Lệ Xuân- Xuân Huy


Lượt xem: 120

Trả lời