Huyện Phú Thiện: Tọa đàm Kỷ niệm 15 năm ngày thành lập

Cập nhật 30/3/2022, 17:03:49

Sáng nay (30/3), huyện Phú Thiện đã tổ chức Tọa đàm Kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập huyện (30/3/2007-30/3/2022). Dự tọa đàm có các đồng chí: Hồ Văn Điềm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy – Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; Ayun H’Bút, Tỉnh ủy viên – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Thanh Lịch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Huyện Phú Thiện được thành lập ngày 30/3/2007 theo Quyết định số 50 của Chính phủ trên cơ sở tách từ huyện Ayun Pa cũ (nay là thị xã Ayun Pa) với 09 xã, 01 thị trấn và 109 thôn, làng, tổ dân phố; dân số lúc thành lập huyện trên 64.000 người, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 60%. Thu nhập bình quân  đầu người chỉ đạt trên 7 triệu đồng.

Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, huyện Phú Thiện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các mặt như: cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành Công nghiệp-Xây dựng, Thương mại-Dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành Nông-Lâm nghiệp, huyện duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ở mức 12,8% năm. Năm 2021, thu ngân sách Nhà nước của huyện đạt hơn 38 tỷ đồng, tăng 31 tỷ đồng so với năm 2007. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 17,2% năm 2007 xuống còn 5,7% vào năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 36 triệu đồng, gấp 5 lần so với năm 2007. Đến nay huyện Phú Thiện vẫn đang là địa phương đi đầu trong thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”. Lợi thế là vùng chuyên canh cây lúa nước với diện tích trên 6.000ha, sử dụng nguồn nước tưới từ công trình Thủy lợi Ayun Hạ, huyện Phú Thiện không chỉ tập trung xây dựng thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn, tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đưa năng suất, chất lượng cây lúa ngày càng cao mà còn xây dựng thành công thương hiệu Gạo Phú Thiện. Bên cạnh đó, huyện tích cực phát triển các mô hình nông nghiệp liên kết bền vững, là một trong 3 địa phương của tỉnh thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản sạch.

Tại buổi tọa đàm Kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập huyện Phú Thiện, đã có nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp để tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, nỗ lực phấn đấu xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn: Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Phú Thiện tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo hơn nữa để xây dựng Phú Thiện ngày càng phát triển. Đồng chí đặc biệt lưu ý vấn đề phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu: “Phú Thiện là huyện nông nghiệp, tôi đề nghị chúng ta phải có phát triển sâu về nông nghiệp, phải giải quyết được bài toán là liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; chúng ta làm kinh tế nông nghiệp chứ không phải sản xuất nông nghiệp; là kinh tế nông nghiệp phải gắn với du lịch nông nghiệp, đem đến không những giá trị kinh tế mà còn giá trinh tinh thần, giá trị du lịch”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cũng mong muốn: Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế thì huyện Phú Thiện cần phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, điều hành của hệ thống chính trị trong quan tâm, chăm lo cho phát triển y tế, giáo dục, văn hóa và an sinh xã hội để địa phương có được sự phát triển bền vững, toàn diện.

Dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 2 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tặng Cờ “Vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tỉnh Gia Lai” cho cán bộ và Nhân dân huyện Phú Thiện, tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 4 cá nhân có nhiều đóng góp trong xây dựng và phát triển địa phương./.

Hữu Lanh, Viễn Khánh


Lượt xem: 23

Trả lời