Huyện Kông Chro phát huy tốt tiềm năng trồng rừng

Cập nhật 21/12/2020, 14:12:58

Tận dụng những tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu tại địa phương, những năm qua huyện Kông Chro đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp, nhất là trồng rừng sản xuất, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn huyện. Đặc biệt, phong trào trồng rừng sản xuất có hưởng lợi từ các chính sách của Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng phát triển, điều đó có ý nghĩa rất quan trọng đối với huyện Kông Chro còn nhiều khó khăn.

Trên địa bàn huyện Kông Chro đã hình thành nhiều khu rừng trồng với quy mô lớn, sinh trưởng và phát triển rất tốt; đặc biệt là đã trồng được rừng trên nhiều diện tích đồi dốc, đất bạc màu, nhiều sỏi đá, không phù hợp với sản xuất các loại cây nông nghiệp. Để có được kết quả đó, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong huyện đã tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng để góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương và ứng phó với biến đổi khí hậu theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai.

Ông Võ Nguyên Nam – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, Gia Lai cho biết: Huyện Kông Chro là một trong những địa phương có diện tích rừng rất lớn với 76.000 ha, trong đó 72.000 ha rừng tự nhiên. Trong những năm qua, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác trồng rừng đạt được những kết quả quan trọng. Trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã trồng hơn 4.000 ha rừng, riêng trong năm 2020 trồng 420 ha, vượt so với nghị quyết đề ra; nâng độ che phủ rừng toàn huyện lên 55,76%, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giúp bà con, nhất là đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững; tình trạng xâm hại rừng cũng giảm đáng kể.

Xã Đăk Sông là một trong những địa phương điển hình của tỉnh về làm tốt công tác trồng rừng. Hệ thống chính trị của xã đã tập trung thực hiện nghiêm túc Kế hoạch 1123 ngày 23/3/2017 của UBND tỉnh Gia Lai về thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp với mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Trong giai đoạn 2015-2020, xã Đăk Sông đã trồng hơn 1.000 ha rừng, trong đó 887 ha theo Quyết định số 38 ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ (trồng mỗi ha rừng được Nhà nước hỗ trợ 07 triệu đồng). Xã đã thành lập Nông hội trồng rừng với nhiều thành viên, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Gia đình anh Đinh In trồng hơn 04 ha rừng keo, đang khai thác, dự kiến thu được hơn 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Anh Đinh In, xã Đăk Sông, huyện Kông Chro, Gia Lai chia sẻ: Đất này trước đây gia đình tôi trồng mì, bắp nhưng thường xuyên bị xói mòn do mưa, lũ. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, gia đình tôi trồng rừng, rất thuận lợi; hiệu quả mang lại cao hơn trồng mì, bắp. Hơn nữa, trồng rừng trên đồi dốc chắn được gió, chống xói mòn đất, bảo vệ được nguồn nước nữa.

Năng suất rừng trồng (chủ yếu là cây keo) ở nhiều địa phương trong huyện Kông Chro, đặc biệt là ở các xã phía Đông của huyện gồm: Ya Ma, Đăk Kơ Ning, Đăk Sông, Sơ Ró, Đăk Pling rất cao (mỗi ha đạt hơn 100 tấn sau mỗi chu kỳ thường 5 đến 6 năm kể từ khi trồng đến khi khai thác). Hiện tại mỗi tấn cây keo người dân bán tại chỗ từ 1,1 triệu đồng đến 1,3 triệu đồng, mang lại nguồn thu nhập cao cho rất nhiều hộ.

Ông Huỳnh Văn Cư – Chủ tịch UBND xã Đăk Sông, huyện Kông Chro, Gia Lai nói: Nhiều hộ trong xã thấy trồng rừng rất hiệu quả nên rất phấn khởi và tích cực tham gia trồng rừng, nhất là trên những diện tích đất rẫy, khu vực thường xuyên bị xói mòn. Khi có Nhà nước hỗ trợ thì bà con càng phấn khởi hơn trong việc trồng rừng.

Ông Võ Nguyên Nam – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, Gia Lai cho biết: Trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Kông Chro xác định trồng rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng; sẽ trồng 2.100 ha rừng. Để trồng rừng có hiệu quả thì huyện tiếp tục thực hiện giao đất giao rừng, khuyến khích bà con phát triển kinh tế rừng. Huyện tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến gỗ để bà con yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống từ trồng rừng.

Làm thế nào để sản phẩm từ trồng rừng của nông dân có đầu ra ổn định nhằm phát triển kinh tế trồng rừng một cách bền vững và mang lại hiệu quả cao nhất, đó là câu hỏi mà huyện Kông Chro cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh đang trăn trở và tìm lời giải trong thời gian sớm nhất./.                                                                                                                                              Hà Đức – R’Piên


Lượt xem: 316

Trả lời