Huyện Kbang quan tâm công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Cập nhật 09/12/2017, 11:12:22

Những năm gần đây, huyện Kbang đã chú trọng đào tạo nghề thợ nề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Sau khi đào tạo, huyện Kbang chỉ đạo cho các địa phương tạo điều kiện bố trí giải quyết việc làm, giúp lao động có thêm thu nhập từ chính ngành nghề được đào tạo.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương, từ năm 2016 tới nay, ngoài các ngành nghề nông nghiệp, huyện Kbang đã tiến hành mở được 4 lớp đào tạo nghề thợ nề cho 115 lao động nông thôn trên địa bàn. Trong đó, đa phần là người đồng bào dân tộc thiểu số. Do thời gian đào tạo chỉ khoảng 2 tháng nên trong công tác giảng dạy ưu tiên nhiều cho việc hướng dẫn thực hành, giúp cho học viên biết được, nắm vững các kiến thức căn bản của nghề thợ nề để đảm chất lượng các công trình khi xây dựng.

Ông Dương Văn Thọ – Phó Giám đốc Trung tâm GDHN và GDTX huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Đối với nghề này thì chủ yếu truyền đạt cho các em những kiến thức cơ bản, quan tâm đến tay nghề của các em; chú trọng đến thực hành đó là cầm tay chỉ việc để cho các em biết như thế nào là vật liệu nó đảm bảo; thứ 2 là kỹ thuật đối với kỹ thuật max xi măng trong xây dựng và cái nữa là các em phải biết xây dựng như thế nào để công trình đảm bảo về mặt chất lượng và yêu cầu kỹ thuật đặt ra. Đối với huyện thì trước khi công nhận hoàn thành lớp học thì thành lập Hội đồng sát hạch của huyện để kiểm tra tay nghề của các em”.

Anh Đinh Văn Blăng – Làng Tờ Mật, xã Đông, huyện Kbang, Gia Lai nói: “Qua lớp đào tạo nghề này, chúng tôi nắm được một số kiến thức để áp dụng đối với nghề thợ nề sau khi được đào tạo. Sau khi học qua lớp này thì nếu được Nhà nước bố trí thì anh em sẽ làm các công trình phù hợp với nghề mình đã học mà mình làm được như là đường bê tông, nhà cấp 4”.

Để giải quyết việc làm cho các lao động sau đào tạo, huyện Kbang đã chỉ đạo các địa phương thành lập các nhóm, tổ và tạo điều kiện cho đảm nhận những công trình, phần việc đơn giản trong xây dựng cơ bản trên địa bàn; nhất là trong việc thực hiện các công trình của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bà Nguyễn Thị Liên – Phó Chủ tịch UBND xã Đông, huyện Kbang cho biết: “Sau khi các em học xong lớp này thì xã sẽ có kế hoạch bố trí công ăn việc làm cho các em, như là làm việc với các đơn vị mà nhân các công trình để các em đi làm cùng với các đơn vị đó; hoặc nếu các em đủ khả năng nhận được 1 công trình trên địa bàn xã mà đặc biệt là trong năm nay là công trình xây dựng nông thôn mới thì xã sẽ giao cho các em làm những công trình mà kỹ thuật đơn giản”.

Từ nghề thợ nề được đào tạo đã giúp cho các lao động có thêm việc làm lúc nhàn rỗi để tăng thu nhập cải thiện đời sống; đồng thời, có thể áp dụng vào thực tiễn cuộc sống để tự chỉnh trang lại nhà cửa, vườn tược. Từ đó, đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.

Đức Hải, Huy Toàn

 


Lượt xem: 42

Trả lời