Huyện Ia Grai triển khai chương trình “Tuần 0” cho học sinh chuẩn bị bước vào lớp 1

Cập nhật 29/8/2021, 10:08:34

Để đảm bảo các quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng như kế hoạch năm học mới 2021-2022, học sinh lớp 1 trên địa bàn tỉnh đã tựu trường từ ngày 23/8/2021 nhưng không tập trung học sinh. Theo đó, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường phối hợp với phụ huynh chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập và điều kiện cần thiết để học sinh tham gia học tập; đồng thời triển khai dạy học “Tuần 0” qua email, Zalo, messenger hoặc hướng dẫn học sinh tự học và có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng nhằm chuẩn bị cho các em một số kỹ năng cần thiết trước khi vào lớp 1. Với đặc thù của huyện biên giới có đông học sinh là người DTTS, trong khả năng có thể, các trường tiểu học trên địa bàn huyện Ia Grai đã linh hoạt thực hiện nhiều biện pháp nhằm triển khai chương trình “Tuần 0” phù hợp với điều kiện sinh sống của phụ huynh học sinh.

Năm học 2021-2022, Trường TH Lý Tự Trọng có 4 lớp 1 với 100 học sinh, trong đó có 90 học sinh là người DTTS. Để đảm bảo việc dạy học, nhà trường đã bố trí 2 lớp ở trường chính và 2 lớp ở điểm trường làng. Qua nắm bắt thông tin từ các giáo viên, chỉ có gần 50% phụ huynh học sinh có khả năng kết nối với giáo viên qua mạng xã hội nhưng phụ huynh thường đi nương đi rẫy hay ở khu vực không có mạng nên tương tác lại với giáo viên không được thường xuyên và kịp thời. Chính vì vậy những ngày này, để có thể thực hiện “Tuần 0” của năm học mới 2021-2022 đối với học sinh lớp 1, các thầy cô giáo đã nhờ sự giúp sức của những người có uy tín tại thôn, làng, đồng thời vận dụng linh hoạt nhiều biện pháp để có thể kết nối, chuyển tải thông tin học tập đến với phụ huynh học sinh.

 Cô giáo Trần Thị Tâm – Trường TH Lý Tự Trọng, huyện Ia Grai nói: “Một số phụ huynh có điện thoại thông minh 3G, 4G nhưng đa số phụ huynh có điện thoại không thông minh và không có điện thoại. Bản thân tôi phân nhóm và gom 5-6 phụ huynh vô 1 nhóm, từ đấy tôi chọn ra 1 nhóm trưởng phụ huynh, từ đó mình truyền tải chương trình tuần 0 đến phụ huynh, mình hướng dẫn nhóm trưởng truyền tải cho phụ huynh trong làng, từ nhóm trưởng GVCN sẽ điện thoại và liên lạc với nhóm trưởng đó thì sẽ báo cáo kết quả, thông tin 2 chiều cho mình”.

Cô giáo Dương Thị Thoa – Hiệu trưởng Trường TH Lý Tự Trọng, huyện Ia Grai cũng cho biết: “Nhà trường chúng tôi có giải pháp trước mắt là yêu cầu GCCN tương tác với PHHS nào có sử dụng được công nghệ, Facebook, Zalo hướng dẫn nắm bắt tình hình học sinh, quần áo, sách vở của các cháu, nếu có khó khăn thì sẽ cùng với nhà trường kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ để các cháu có đầy đủ sách vở khi đến trường. Những PHHS không tương tác được mạng xã hội thì GVCN xuống nhà để nắm bắt tình hình, kết nối cộng đồng với nhau/ và phối hợp với các cô các thầy sao cho có hiệu quả. Nếu kết thúc tuần này phụ huynh tương tác được thì chúng tôi tiếp tục triển khai chương trình tuần tới là tương tác chương trình tiếng Việt.  Khi tương tác xong chúng tôi sẽ có kế hoạch xây dựng để các cháu trở lại thực hiện chương trình tuần 1 nếu dịch bệnh tiến triển tốt thì chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng chương trình giáo dục phổ thông năm 2018”.

Năm học 2021-2022, huyện Ia Grai có hơn 2.200 học sinh lớp 1. Trong đó gần 50% học sinh là người DTTS. Không chỉ các trường ở xã biên giới mà một số trường ở vùng thuận lợi cũng có hơn 90% đến 100% học sinh là người DTTS. Dù gặp không ít khó khăn khi kết nối, chuyển tải thông tin qua mạng đến với phụ huynh học sinh người DTTS nhưng các trường đã vận dụng linh hoạt nhiều biện pháp nhằm nắm bắt tình hình học sinh lớp 1 của từng lớp. Đối với học sinh dân tộc thiểu số chưa biết nói tiếng Việt, các trường cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm kịp thời đưa tài liệu “Em nói tiếng Việt” đến với phụ huynh học sinh để hướng dẫn cho con em có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt khi đến trường.

Cô giáo Ngô Thị Phương Yến – Hiệu trưởng Trường TH Ngô Mây, huyện Ia Grai cho biết: “Giáo viên xin địa chỉ hoặc nhờ thôn, giáo viên tại địa phương dẫn đến nhà để hướng dẫn các em tiếp cận Chương trình tập nói tiếng Việt đối với tuần 0. Chương trình tập nói tiếng Việt của nhà trường thì nhà trường tận dụng tài liệu của Sở cấp để phát về cho phụ huynh, những phụ huynh nào có thể đến trường lấy thì giáo viên hướng dẫn trực tiếp; những giáo viên nào khó khăn thì giáo viên mang đến tận nhà để hướng dẫn cho phụ huynh hướng dẫn cho các con tập nói tiếng Việt đối với tuần 0”.

Ngoài việc tìm mọi cách phù hợp để có thể thực hiện đạt yêu cầu “Tuần 0” đến với học sinh lớp 1, các trường học trên địa bàn huyện biên giới Ia Grai đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất gắn với chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó đảm bảo việc dạy và học theo đúng thời gian quy định gắn với thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch đối với các nhà trường./.

Thiên Thanh – Lê Thư – Phi Long


Lượt xem: 16

Trả lời