Huyện Đức Cơ gặp khó khăn trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Cập nhật 17/11/2021, 10:11:55

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được huyện Đức Cơ triển khai thực hiện trong những năm qua đã góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện huyện Đức Cơ đã gặp một số khó khăn nên chương trình chưa triển khai theo đúng kế hoạch đề ra.

Sản phẩm cà phê Quang Nhận của cơ sở sản xuất chế biến cà phê Trần Quang Nhận, thị trấn Đức Cơ đã từng được công nhận 3 sao vào năm 2020. Đạt chứng chỉ OCOP đã giúp cho sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường cũng như nâng cao giá trị cho sản phẩm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên trong năm 2021, việc tiêu thụ sản phẩm cà phê rang xay gặp nhiều khó khăn. Bởi việc vận chuyển, nhu cầu tiêu thụ của tỉnh và các địa phương trên cả nước cũng giảm nhiều so với trước.

Ông Trần Quang Nhận – Thị trấn Đức Cơ, huyện Đức Cơ cho biết:  “Khó khăn hiện nay, thị trường trong nước một mức độ nhất định thôi, do vậy sản xuất của gia đình mang tính chất nhỏ chứ chưa phải sản xuất chưa được tiêu thụ trên thị trường lớn. Do đó có khó khăn trong vấn đề tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm.”

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP trong năm 2021, huyện Đức Cơ sẽ hoàn thiện hồ sơ nâng cấp 4 sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2020 lên thành sản phẩm 4 sao. Các sản phẩm gồm: Cà phê của HTX xây dựng, Thương mại và Dịch vụ Phượng Hoàng; cà phê Nguyễn Hân Coffee Farm của  hộ kinh doanh Nguyễn Văn Hân và sản phẩm Trà bí đao, Thịt bò sấy khô của HTX nông nghiệp và phát triển công nghệ cao Đức Cơ. Đồng thời, lập kế hoạch cho 6 sản phẩm OCOP gồm: Trứng gà, Sầu riêng, Mật ong, hạt điều, phấn hoa, thịt bò. Tuy nhiên, nguồn kinh phí huyện Đức Cơ bố trí được hơn 300 triệu đồng để thực hiện hoàn thiện hồ sơ nâng cấp 4 sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2020 lên thành sản phẩm 4 sao; còn kinh phí để hỗ trợ các cơ sở tham gia đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký, phương án kinh doanh, tài liệu minh chứng về quá trình sản xuất, xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm mới chưa thể thực hiện.

 Ông Nguyễn Quốc Tư – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Cơ cho biết: “Đến giờ phút này, sản phẩm 3 sao cấp tỉnh nâng thành 4 sao cấp tỉnh chúng tôi đang triển khai thực hiện. Chúng tôi chia làm 2 nguồn vốn, đối với nguồn vốn của địa phương thì cơ bản là chủ động được đảm bảo được kế hoạch, nguồn vốn của trung ương thì vừa qua tỉnh có văn bản phân bổ thì không bố trí được nguồn kinh phí.”

Việc các địa phương và chủ thể hoàn thiện các tiêu chỉ để chứng nhận sản phẩm OCOP là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP sau khi được công nhận là mục tiêu lâu dài. Chính vì vậy, để mỗi sản phẩm OCOP phát triển hơn ngoài sự quan tâm hỗ trợ của địa phương thì rất cần sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao nhất của các chủ thể sản phẩm.

Thúy Diện, Duy Linh


Lượt xem: 30

Trả lời