Huyện Chư Sê đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Cập nhật 08/5/2022, 13:05:26

Mục tiêu được Đảng bộ huyện Chư Sê đề ra trong nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2025 là có 20% cây trồng các loại ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Qua đó, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cho ngành Nông nghiệp ở địa phương. Triển khai thực hiện mục tiêu trên, các cấp, ngành của huyện Chư Sê đang cụ thể hóa bằng các chương trình, dự án để đẩy mạnh việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn.

Anh Võ Văn Luân là người tiên phong trong việc đưa cây hoa về trồng ở huyện Chư Sê từ năm 2019. Khi đưa cây hoa về trồng ngoài trời phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương và đem lại thu nhập tương đối cao cho gia đình anh. Do đó, để chủ động trong việc cho ra hoa và tăng thêm thời vụ, năm 2020, anh Luân đã đầu tư trồng 2 sào hoa bằng hệ thống nhà màng, kết hợp hệ thống phun béc. Nhờ đó đã tăng được từ 3 vụ lên 4 vụ mỗi năm và thu nhập cũng tăng theo.

Anh Võ Văn Luân, Thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê cho biết: “Sang năm anh em sẽ mở thêm 3 sào nhà dàn như thế này nữa để mình làm liên tục 4 vụ trong năm và lợi nhuận mang lại cao hơn. Như làm nhà dàn thì mình làm 1 sào trừ hết chi phí thì mỗi sào mình thu được 70 đến 80 triệu; mà 1 năm làm 4 vụ thì mình cũng thu được gần 300 triệu”.

Sầu riêng là một trong những loại cây có múi được huyện Chư Sê xác định là cây trồng chủ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. Với 7 ha sầu riêng được chuyển từ cây cà phê, hồ tiêu cách đây 3 năm, gia đình ông Nguyễn Trịnh Dũng đều đầu tư hệ thống tưới phun sương tận gốc kết hợp bón phân. Nhờ đó, cây sầu riêng sinh trưởng, phát triển tốt và bắt đầu cho ra bói, hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

Ông Nguyễn Trịnh Dũng, Thôn Vinh Hà, xã Ia Blang, huyện Chư Sê nói: Lợi công là nhất; thứ hai nữa là bón phân như thế thì cũng không tốn công và bón phân thì không bị thất thoát nên hiệu quả cao. Cái nữa là mình chủ động được thời gian mình bón khi nào thì mình bón và chủ động khi mình có nguồn nước tưới nên cây phát triển rất tốt.

Triển khai thực hiện nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2025, hàng năm huyện Chư Sê sẽ huy động, lồng ghép các dự án và bố trí nguồn vốn khoảng 10 tỷ đồng để hỗ trợ người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Bà Lê Thị Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê thông tin: “Từ nguồn vốn của sự nghiệp nông nghiệp hàng năm thì Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đã xây dựng và tập trung hỗ trợ giống cho người dân các loại cây ăn quả đang có thế mạnh trên thị trường và phù hợp với định hướng, như hỗ trợ về trồng dâu nuôi tằm, các loại cây có múi, như bưởi da xanh, sầu riêng. Cùng với việc hỗ trợ giống, vật tư phân bón thì trung tâm sẽ hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp tại đồng ruộng cho người dân để giúp cho người dân nắm được các kỹ thuật canh tác mới nhất để sản xuất cây trồng hiệu quả”.

 Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Chư Sê chỉ có 2,4% diện tích cây trồng với khoảng 600 ha ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, chủ yếu là  tưới nước tiết kiệm. Do đó, để hiện thực hóa được mục tiêu mà Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra nhằm nâng cao giá trị của ngành Nông nghiệp ở địa phương và giúp nâng cao thu nhập cho nông dân thì cần có những giải pháp cụ thể, sát thực trong triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chư Sê cho biết: “Phòng NN&PTNT đã tham mưu UBND huyện phê duyệt đề án để triển khai nghị quyết chuyên đề này. Trong đó đề ra các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện. Trước hết đối với cây trồng thì phải xác định được các loại cây trồng có tiềm năng, thế mạnh và có liên kết ổn định để phát triển. Thứ 2 nữa là kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia trong phát triển sản xuất, đầu tư các ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đầu tư nhà xưởng, đầu tư nhà máy, nhà kho, các thiết bị sơ chế biến để hoàn thiện các khâu sản xuất”.

   Từ việc đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn xây dựng các nhà máy sơ chế, tinh chế các sản phẩm nông nghiệp sẽ hình thành các chuỗi liên kết giá trị bền chặt giữa doanh nghiệp với nông dân từ đầu tư, thu mua sản phẩm.  Qua đó, tạo đầu ra ổn định và nâng tầm giá trị các sản phẩm nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 đưa tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nông – lâm nghiệp của huyện Chư Sê đạt trên 4.930 tỷ đồng./.

Đức Hải, Huy Toàn


Lượt xem: 32

Trả lời