Huyện Chư Prông tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất hồ tiêu

Cập nhật 24/6/2019, 14:06:39

Cũng như ở một số địa phương trong tỉnh, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Chư Prông đang gặp rất nhiều khó khăn khi mà hồ tiêu bị chết hàng loạt vì đa phần là bà con vay vốn ngân hàng để đầu tư. Trước tình hình, hiện nay, huyện Chư Prông đang tập trung tháo gỡ những khó khăn cho người nông dân sản xuất hồ tiêu.

1.800 trụ tiêu của gia đình ông Hoàng Xuân Thanh (thôn Hoàng Tiên, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) trồng từ năm 2016 mới chỉ thu bói được một ít đã bị chết hàng loạt như thế này. Theo tính toán bình quân mỗi trụ tiêu trồng lên hoàn chỉnh cũng mất 500 ngàn đồng. Toàn bộ số tiền đầu tư trồng hồ tiêu gia đình ông đều vay ngân hàng. Nay hồ tiêu bị chết hết, gia đình ông đang chuyển dần sang cây ăn quả song không biết đến khi nào mới có thu để trả tiền lãi hàng tháng cho số tiền đang vay là 500 triệu đồng.

Ông Hoàng Xuân Thanh, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, Gia Lai cho biết: “Nguồn vốn gia đình thì cũng có một ít nhờ tích lũy từ trồng cà phê song do nguồn vốn lớn quá nên mình cũng theo phong trào là đi vay ngân hàng; tiền vay ngân hàng thì chủ yếu là nhìn vào khi thu hoạch cây hồ tiêu thôi để trả nhưng đến nay thì tiêu bị chết hết mà ngân hàng vẫn đang còn nợ; bây giờ không biết lấy nguồn nào thu để trả ngân hàng có khi phải bán bớt đi đám đất”.

Hoàn cảnh của gia đình ông Thanh cũng đang là thực trạng chung của hàng nghìn hộ trồng hồ tiêu ở huyện Chư Prông. Vay vốn ngân hàng để đầu tư song chưa có thu hoạch thì hồ tiêu lại chết hàng loạt khiến cho nhiều gia đình rơi vào cảnh rất khó khăn.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của các cấp, thời gian qua các ngân hàng trên địa bàn huyện Chư Prông đã triển khai một số giải pháp giúp người trồng hồ tiêu tháo gỡ những khó khăn về vốn để tái đầu tư sản xuất.

Ông Nguyễn Bá Nhàn, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Chư Prông, Gia Lai cho biết: “Agribank chi nhánh Chư Prông đã hết sức nỗ lực để cộng đồng cùng với bà con vay vốn giải quyết vấn đề khó khăn trước mắt; chúng tôi đã thực hiện được 50% số lượng hộ dân trồng hồ tiêu bị thiệt hại trên địa bàn với số tiền 35 tỷ đồng. Và chúng tôi cũng động viên bà con thay đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng, từ cây hồ tiêu sang các cây trồng khác có hiệu quả, có kế hoạch vay vốn và có dự án khả thi thì chúng tôi sẽ đầu tư cho vay lại”.

Tuy nhiên, qua thống kê thì số hộ có hồ sơ vay sản xuất hồ tiêu tại Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Chư Prông lại rất ít, có 292 hộ vay với dư nợ gần 73 tỷ đồng với diện tích đăng ký là 200 ha. Trong khi đó qua rà soát, toàn huyện Chư Prông có gần 2.300 ha tiêu bị chết của trên 8.800 hộ. Do đó, các hộ dân mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp trong việc giãn, khoanh nợ.

Ông Hồ Văn Đạo, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, Gia Lai nói: “ Nếu mà được thì cũng muốn ngân hàng khoanh nợ cho ít năm chứ bây giờ người dân cũng kẹt; không chỉ nhà tôi mà các nhà khác cũng nợ nhiều”.

Ông Hoàng Xuân Thanh, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, Gia Lai cũng nói: “Mong nhà nước có can thiệp đối với ngân hàng cho người dân trồng tiêu ở Tây Nguyên bớt khó khăn là mong được giãn nợ, khoanh nợ cho bà con nhân dân trong một vài năm”.

Theo tính toán của địa phương, tổng nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các hộ dân trồng hồ tiêu bị thiệt hại là hơn 9,1 tỷ đồng. Trong đó, huyện Chư Prông sẽ cân đối từ ngân sách địa phương để hỗ trợ cho người dân là hơn 1,8 tỷ đồng. Còn lại trên 7,3 tỷ, địa phương kiến nghị với các cấp quan tâm hỗ trợ giúp người dân trồng hồ tiêu trên địa bàn có kinh phí tái đầu tư lại sản xuất, từng bước tháo gỡ khó khăn để ổn định cuộc sống./.

Đức Hải, Huy Toàn


Lượt xem: 40

Trả lời