Huyện Chư Prông quan tâm thực hiện xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm địa phương

Cập nhật 30/4/2022, 15:04:27

Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai, huyện Chư Prông quan tâm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trên địa bàn huyện xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Việc xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu sản phẩm từng bước xây dựng, khẳng định thương hiệu cho nhiều sản phẩm của địa phương trên thị trường theo xu thế đổi mới, cạnh tranh để phát triển.

Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi anh  Nguyễn Huy Thuận, xã Ia Pia, huyện Chư Prông đang tập trung phát triển kinh tế gia đình từ mô hình nuôi nai, hươu lấy nhung và bán giống cho người dân địa phương. Từ hiệu quả của mô hình và mong muốn phát triển lâu dài cho sản phẩm nhung hươu, nai, anh đã hoàn thiện các tiêu chí để xây dựng sản phẩm “Nhung hươu ngâm mật ong” và được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Để đảm bảo tiêu chí sản phẩm OCOP, anh đã đăng kí bảo hộ quyền sỡ hữu trí tuệ, mã số mã vạch, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm với thương hiệu “Hươu, nai Huy Thuận”.

Anh Thuận cho biết:  “Sản phẩm nhung hươu ngâm mật ong thì cũng có đi dự hội chợ trong tỉnh và ngoài tỉnh, tham gia ở hội chợ như Hội chợ Nông nghiệp, Hội Chợ OCOP của tỉnh Gia Lai, Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao. Tôi rất quan tâm, bán cho bà con nông dân, đầu ra tôi nghĩ, người ta nuôi nhiều không biết đầu ra ra sao nên nghĩ đến chế biến nhung hươu, mình bao tiêu sản phẩm cho bà con để thu mua lại nhiên liệu rồi mình làm nhung hươu ngâm mật ong”.

Không chỉ quan tâm, hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu mà huyện Chư Prông còn xúc tiến, bảo hộ thành công cho nhãn hiệu tập thể là “Gạo Ia Lâu” có ý nghĩa rất thiết thực, mở ra cơ hội để người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn huyện sản xuất, kinh doanh và chế biến sản phẩm từ lúa, gạo. Đồng thời, tạo tiền đề để địa phương đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu ổn định đáp ứng thị trường. Hiện nay, diện tích sản xuất lúa theo nhãn hiệu “Gạo Ia Lâu” có khoảng 555 ha, năng suất đạt từ 48-50 tấn/ha gieo trồng/vụ. Với năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon đã mở rộng thị trường cho sản phẩm, đem lại lợi ích kinh tế cao cho nông dân địa phương.

Ông Phạm Vũ Tú – Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cũng cho biết: “Sản phẩm Gạo Ia Lâu khi ra thị trường thì nhiều người biết đến, đúng với đặc trưng của vùng đất Chư Prông. Đó là 1 tín hiệu rất tích cực và rất ý nghĩa đối với địa phương chúng tôi và sản phẩm Gạo Ia Lâu  lâu nay được biết đến. Nay có giấy chứng nhận là cơ sở pháp lý rất là tốt đối với địa phương khi đưa một loại gạo đặc trưng của Tây Nguyên có nét riêng có của Chư Prông đây là ý nghĩa rất tốt.”

Xác định tầm quan trọng của việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm địa phương, đặc biệt là đối với sản phẩm OCOP, huyện Chư Prông đã bố trí nguồn vốn để hỗ trợ các chủ thể thiết kế bao bì, nhãn mác, quản lý thương hiệu, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc và xúc tiến thương mại. Tính đến nay, toàn huyện Chư Prông đã có 18 sản phẩm đặc trưng được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh. Từ những kết quả đạt được, trong năm 2022, toàn huyện có 9 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh đăng ký khoảng 11 sản phẩm OCOP và phấn đấu lựa chọn có khoảng 3-5 sản phẩm phát triển thành sản phẩm OCOP của địa phương.

Thúy Diện, Duy Linh


Lượt xem: 17

Trả lời