Huyện Chư Păh phát triển kinh tế với cây bời lời

Cập nhật 30/5/2017, 10:05:24

Bời lời là loại cây được người dân, nhất là đồng bào thiểu số trên địa bàn huyện Chư Păh lựa chọn để phát triển kinh tế từ nhiều năm nay. Nhờ dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, thích ứng được với tình trạng biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao nên loại cây này đã giúp được nhiều hộ dân, đặc biệt là các hộ vùng dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo đó, hàng năm diện tích cây bời lời trên địa bàn huyện Chư Păh đều tăng, đến thời điểm này đạt trên 2.400 hecta.

Gia đình anh Rơ Châm Byaoh là một trong những hộ trồng cây bời lời khá lâu năm ở làng Op, xã Ia Phí, huyện Chư Păh. Đây cũng chính là loại cây trồng đã giúp gia đình anh thoát nghèo, cuộc sống dần ổn định và cho con cái ăn học. Theo anh Byaoh, việc trồng cây bời lời khá đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao nên rất phù hợp với những người nông dân như anh.

Anh Rơ Châm Byaoh,  Làng Op, xã Ia Phí, huyện Chư Păh cho biết: “Trồng vườn bời lời khoảng 1 hecta và được 5 năm. Đợt 1 thu được 100 triệu.  Mình trồng xen với cây mì Bời lời làm dễ, cỏ làm sạch thì nó cứ lên. Mì trồng xen chăm với mì tốt hơn, bời lời cũng ngon. Mình bỏ phân cho mỳ thì bời lời cũng phát triển, cây cũng nhanh lên”.

Không chỉ dễ trồng, cây bời lời còn rất hợp với khí hậu khô hạn, đất đai cằn cõi do đó loại cây trồng này được người dân trên địa bàn huyện Chư Păh trồng nhiều, nhất là trong vài năm trở lại đây khi tình trạng hạn hán cũng như biến đổi khí hậu có diễn biến phức tạp. Trong đó, nhiều nhất là ở xã Ia Phí với diện tích trên 1.000 hecta.

 Anh Rơ Châm Phenh, Cán bộ Địa chính, Nông nghiệp xã Ia Phí, huyện Chư Păh cho biết: “Trên địa bàn xã Ia Phí cây bời lời là cây chủ lực, với diện tích 1.000 hecta. Người dân ở đây rất thích trồng bời lời vì hợp với khí hậu. Cây này dễ trồng, dễ chăm sóc. Có thể trồng thuần hoặc trồng xen, mang lại thu nhập cao. Nhiều hộ đã thoát nghèo, mua sắm được đồ dùng trong gia đình. Hằng năm diện tích tăng lên. Theo thống kê của xã thì diện tích tăng từ 5 hecta trở lên”.

Theo giá cả thị trường hiện nay, bình quân mỗi hecta cây bời lời có thể mang lại thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng. Đối với người dân địa phương, nhất là bà con ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì đây là thu nhập cao hơn hẳn so với các loại cây trồng truyền thống như bắp, mỳ… Với nhiều ưu điểm, đặc biệt là khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, cây bời lời được huyện Chư Păh xác định là cây xóa đói giảm nghèo chủ lực được phát triển mạnh trong thời gian tới.

Ông Nay Kiên,  Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh cũng cho biết: “Cây bời lời huyện xác định là cây đa mục đích, vừa phù hợp với đồng bào DTTS nghèo vừa trồng ở diện tích đất chuyển đổi từ diện tích cây mì, lúa 1 vụ sang, phù hợp với các xã trên địa bàn huyện. Ngoài nhiệm vụ giải quyết kinh tế, cây bời lời cũng có tác dụng phủ xanh đồi núi trọc. Kinh phí trồng không nhiều, không kén đất, không sợ giá cả lên xuống vì khi xuống người ta giữ lại đợi giá lên rồi mới bán đề sắm sửa nhà cửa. Chính vì vậy cây bời lời trên địa bàn huyện là cây xóa đói giảm nghèo và tương đối phù hợp với vùng ĐBDTTS, vùng đang có kế hoạch phủ xanh đất trống đồi núi trọc”.

Hiện nay toàn huyện Chư Păh có trên 2.400 hecta cây bời lời, chủ yếu tập trung ở các xã có đông dân tộc thiểu số. Để tiếp tục nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế của cây bời lời, huyện Chư Păh đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó đã giao phòng Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu để lựa chọn những giống bời lời mới có năng suất, chất lượng cao, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, chuyển giao kỹ thuật đến đông đảo người dân, nhất là bà con DTTS./.

Ngô Thanh, Đặng Trà


Lượt xem: 174

Trả lời