Hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP

Cập nhật 24/10/2022, 07:10:17

Xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP là mục tiêu của không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng như hợp tác xã hiện nay để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm của đơn vị và tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Xuất phát từ thực tế này, thời gian qua chương trình OCOP đã được các địa phương trong tỉnh Gia Lai chú trọng triển khai thực hiện với sự quan tâm, hưởng ứng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã. Tuy nhiên với không ít những đơn vị, vẫn còn nhiều khó khăn đặt ra.

Vì nhiều nguyên nhân có cả chủ quan lẫn khách quan, đã trở thành rào cản làm cho việc xây dựng sản phẩm hạt mắc ca của cơ sở Thanh Kiều ở xã Ia Sao, huyện Ia Grai thành sản phẩm OCOP chưa đạt. Năng lực tài chính hạn chế nên quy mô cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, thiết bị cũng chậm đổi mới… khiến chủ thể gặp khó khăn hơn trong tham gia chương trình.

Chị Lê Thị Gấm – Xã Ia Sao, huyện Ia Grai cho biết: “Có hai mặt hàng để mình làm, một là măng tây, hai là mắc ca; nhưng mà măng tây thì không đủ điều kiện bởi vì diện tích ít, còn mắc ca thì mình đã đủ điều kiện diện tích và số lượng để tham gia nhưng mà do cơ sở hạ tầng của mình bây giờ đang còn sơ sài quá, chưa đủ điều kiện để tham gia và cũng không thể duyệt được”.

Xác định OCOP là chương trình phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, hơn 03 năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương của tỉnh Gia Lai đã vào cuộc mạnh mẽ và nhận được sự đồng lòng ủng hộ của người dân, sự tham gia tích cực của nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã. Nhờ đó, chương trình đã đạt những kết quả quan trọng bước đầu. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã có 214 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh. Tuy nhiên bên cạnh những địa phương, những chủ thể đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP thì vẫn còn những nơi, những chủ thể đang loay hoay tìm và xây dựng sản phẩm riêng.

Chị Phạm Thị Bình – xã Ia Vê, huyện Chư Prông nói: “Trong tương lai thì cũng đang dự kiến là có trà mãng cầu xiêm, đậu đen xanh lòng của địa phương, mình cũng dự kiến sẽ làm sản phẩm đấy là sản phẩm OCOP trong năm tới.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong thực hiện chương trình và xây dựng sản phẩm OCOP, có lẽ bên cạnh nỗ lực tự thân của các chủ thể thì các địa phương cũng phải có sự vào cuộc quyết liệt, quan tâm hơn nữa tới các bước phát triển của sản phẩm, của đơn vị sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại cũng là một trong những bước then chốt để tạo cơ sở, động lực thúc đẩy phát triển chương trình; xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP của tỉnh phát triển bền vững trong tương lai./.

Mỹ Tiến, Huy Toàn


Lượt xem: 9

Trả lời