Hướng đi nào cho nghề dệt thổ cẩm ở làng Leng Tô, thị trấn Đăk Pơ, huyện  Đăk Pơ

Cập nhật 17/8/2016, 08:08:36

Để bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các DTTS tại Gia Lai, những năm qua, các cấp chính quyền đã mở nhiều lớp dạy nghề tại nhiều địa phương trong tỉnh, thu hút hàng trăm lượt học viên tham gia. Tuy nhiên, các lớp truyền dạy dệt thổ cẩm này mới chỉ dừng lại ở việc giảng dạy những kiến thức, phương pháp cơ bản để giúp chị em có thể làm ra được những sản phẩm thổ cẩm. Còn việc duy trì nghề, tìm hướng phát triển cho nghề dệt thổ cẩm để người thợ có thể sống được với nghề hiện đang là một vấn đề không kém phần nan giải. Phóng sự sau đây sẽ phần nào phản ánh được thực trạng này.

Để bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các DTTS tại Gia Lai, những năm qua, các cấp chính quyền đã mở nhiều lớp dạy nghề tại nhiều địa phương trong tỉnh, thu hút hàng trăm lượt học viên tham gia. Tuy nhiên, các lớp truyền dạy dệt thổ cẩm này mới chỉ dừng lại ở việc giảng dạy những kiến thức, phương pháp cơ bản để giúp chị em có thể làm ra được những sản phẩm thổ cẩm. Còn việc duy trì nghề, tìm hướng phát triển cho nghề dệt thổ cẩm để người thợ có thể sống được với nghề hiện đang là một vấn đề không kém phần nan giải. Phóng sự sau đây sẽ phần nào phản ánh được thực trạng này.

17.8det

Những lúc nông nhàn, những người phụ nữ  ở làng Leng Tô-huyện Đak Pơ lại tập trung  để cùng nhau làm nên những sản phẩm dệt thổ cẩm – một trong những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Gia Lai. Dưới bàn tay tài hoa của họ, những sản phẩm này đang ngày càng hoàn thiện và mang những nét đặc trưng riêng. Với đa số phụ nữ trong làng, dệt thổ cẩm chỉ là công việc lúc nông nhàn, nhưng không vì thế mà họ lại không quý trọng ngành nghề truyền thống vốn đã được lưu giữ từ bao đời nay.

Chị Đinh Thị Gơi, làng Leng Tô, TT. Đăk Pơ, Gia Lai cho biết: “Với chị em phụ nữ chúng tôi, những lúc nông nhàn thì đây là công việc ưa thích nhất. Chúng tôi luôn cố gắng để tạo nên những sản phẩm đẹp. Điều chúng tôi cần nhất là việc bán các sản phẩm do mình tự làm ra vì lâu nay chúng tôi làm ra chỉ để đó hoặc bán cho những người khác trong làng thôi”.

Để hoàn thành nên một sản phẩm dệt thổ cẩm theo phương thức truyền thống và tạo được ấn tượng với người sử dụng, người tạo ra nó phải trải qua nhiều công đoạn  khác nhau, từ lấy sợi, se chỉ, nhuộm vải, dệt, tạo hoa văn… Nhưng với nỗ lực của bản thân, mỗi người đều gửi vào đó niềm đam mê và tâm huyết sáng tạo để cho ra đời những sản phẩm hoàn chỉnh.

Chị Đinh Thị Duyết, làng Leng Tô, TT.Đăk Pơ, Gia Lai nói: Theo tôi, trong dệt thổ cẩm thì công đoạn se chỉ là khó nhất. Mặc dù khó nhưng chúng tôi luôn cố gắng để hoàn thành các sản phẩm của mình…

Phải mất một khoảng thời gian dài và trải qua nhiều công đoạn khác nhau, người nghệ nhân mới có thể hoàn thành được 1 sản phẩm dệt thổ cẩm. Với những nghệ nhân ở đây, dệt thổ cẩm là một công việc khó, nhưng nó lại không khó bằng việc tìm được ra cho chính những sản phẩm mà họ dày công sáng tạo nên…

Để tìm đầu ra cho những sản phẩm dệt thổ cẩm ở làng Leng Tô, thời gian qua, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở thị trấn Đăk Pơ đều đã có những nỗ lực nhất định, từ mang đi gửi ở một số nhà hàng, khách sạn, các khu du lịch trong tỉnh nhằm giới thiệu những sản phẩm được tạo nên bằng sự kỳ công của những người phụ nữ ở đây. Tuy nhiên, những nỗ lực đó đến nay đều vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Chị Đinh Thị Phương, Phó chủ tịch Hội LHPN TT Đăk Pơ, Gia Lai cho biết: ‘Trong thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng liên hệ với các khu du lịch hoặc tìm ra một đầu mối thu mua những sản phẩm của chị em ở đây, giúp cho chị em bán được các sản phẩm của mình để góp phần cải thiện kinh tế và tiếp tục bảo tồn nghề dệt thổ cẩm ở làng”.

Để cho những sản phẩm dệt thổ cẩm của phụ nữ làng Leng Tô có một lối đi riêng trên thị trường thì bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của họ còn rất cần đến sự quan tâm đầu tư, giúp đỡ của các cấp, các ngành liên quan. Có như vậy, những ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm sẽ vừa được lưu giữ, vừa mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực./.

Quốc Linh, Viễn Khánh

 


Lượt xem: 157

Trả lời