Hướng đến phát triển hồ tiêu bền vững ở thủ phủ hồ tiêu Chư Sê

Cập nhật 04/9/2016, 08:09:16

Diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện đã phát triển hơn 16.000ha, vượt hơn 10.000ha so với quy hoạch chung của Bộ NN&PTNT và Chính phủ về phát triển diện tích hồ tiêu của toàn vùng Tây Nguyên. Tại huyện Chư Sê – địa phương được xem là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Gia Lai với 3.749ha, những năm qua cây hồ tiêu đã giúp người nông dân nơi đây vươn lên làm giàu. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh, mà chủ yếu là bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu đã làm cho nhiều diện tích tiêu ở địa phương này bị chết, hoặc giảm năng suất cũng như chất lượng. Chính vì vậy, phát triển hồ tiêu bền vững được xem là định hướng trong phát triển kinh tế của huyện Chư Sê những năm tiếp theo. 

3.9  huongden

Mở rộng diện tích không theo quy hoạch và sự khuyến cáo của ngành chuyên môn, cộng thêm tình hình dịch bệnh trên cây tiêu xuất hiện ngày càng nhiều đã làm cho năng suất hồ tiêu của huyện Chư Sê giảm mạnh so với khoảng 5 năm trước đây. Nghiêm trọng hơn, với những diễn biến bất thường của thời tiết đã khiến cho nhiều diện tích tiêu trên địa bàn không đủ nước tưới trong giai đoạn nắng nóng mùa khô, dẫn đến chất lượng vườn cây cũng giảm. Năng suất giảm, giá cũng giảm hơn; trong khi chi phí đầu tư nhiều nên lợi nhuận với người trồng tiêu hiện cũng không bằng như trước đây.

Ông Nguyễn Trọng Dũng – Thôn Vinh Hà, xã Ia Blang, huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Trồng cây tiêu rất khó trồng, khí hậu bây giờ càng ngày càng khắc nghiệt; nắng rồi mọi vấn đề, chung lại là nhiễm bệnh hết nên tiêu càng ngày càng hư hại nhiều. Trồng tiêu bây giờ khó khăn nên công tác tuyển giống rất quan trọng, nhưng giống bây giờ cũng nhiễm, thì mình cố gắng tìm hiểu nguyên nhân sao nó nhiễm”.

 Theo thống kê, toàn huyện Chư Sê hiện có 3.749ha tiêu; trong đó diện tích trồng mới trong năm 2016 đến thời điểm này là 154ha. Cái vòng luẩn quẩn của điệp khúc “Được mùa, mất giá”, rồi “Được giá, mất mùa” là vấn đề mà người nông dân hiện nay chưa thoát ra được dù với bất kỳ một loại cây trồng nào, trong đó cây hồ tiêu cũng không ngoại lệ. Thế nhưng hiện nay khi mà tình hình dịch bệnh trên cây tiêu đang phát triển và lây lan trên diện rộng, thì với một địa phương được xem là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Gia Lai như Chư Sê, việc phát triển hồ tiêu bền vững là điều mà địa phương đã tính tới.

Ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Giải pháp quan trọng nhất, chú trọng nhất là đưa các tiến bộ KHKT cho bà con nắm, áp dụng; rồi tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, bảo vệ thực vật hướng dẫn cho bà con. Dự báo tình hình sâu bệnh, sự phát triển của cây trồng để hướng dẫn bà con chăm sóc cho hợp lý. Về lâu dài người nông dân đoàn kết, tập hợp lại, định hình thành các tổ rồi thực hiện theo đúng quy trình rồi dần dần tiến tới quy mô như HTX”.

Giải pháp cũng như định hướng của địa phương là một chuyện; còn đối với người trồng tiêu Chư Sê, cần thiết phải có biện pháp để bảo vệ và phát triển diện tích tiêu của gia đình; đảm bảo cho mục tiêu chung phát triển hồ tiêu bền vững của địa phương ./.

Mỹ Tiến-R’Piên-Minh Trí

 

 


Lượt xem: 97

Trả lời