Hứa hẹn mùa mía ngọt đầu tiên của làng Bút

Cập nhật 20/11/2017, 08:11:42

Muốn thoát nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, điều quan trọng đầu tiên là phải làm thế nào để thay đổi tư duy, thói quen canh tác của bà con. Nói thì dễ nhưng thực tế không đơn giản khi mà những thói quen trong phát triển sản xuất đã ăn sâu vào bà con, mặt khác do những hạn chế về trình độ canh tác nên bà con không mạnh dạn để thay đổi.

Khó khăn, hạn chế là vậy nhưng một khi bà con đã mạnh dạn thay đổi, hiệu quả mang lại rất tích cực. Sau đây chúng tôi muốn giới thiệu đến bà con, quý vị và các bạn sự thành công của một mô hình cánh đồng mía lớn tại một làng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đăk Pơ.

Sau hơn 9 tháng với bao hồi hộp, mong đợi, giờ thì bà con của làng Bút, xã An Thành, huyện Đăk Pơ đã phần nào yên tâm hơn khi lần đầu tham gia phát triển cánh đồng mía lớn lại đạt như thế này. Cây mía sinh trưởng, phát triển tốt, vì vậy bà con đang rất hy vọng năm nay sẽ là mùa mía ngọt đầu tiên.

Đinh Vông, Làng Bút, xã An Thành, huyện Đăk Pơ cho biết: “Mía phát triển tổt, bà con rất phấn khởi chứ trước đây làm mì, làm bắp không có đủ ăn. Bây giờ trồng mía được tốt như thế này, sau này cuộc sống bà con sẽ đỡ vất vả hơn”.

Cánh đồng mía lớn làng Bút có tổng diện tích 32 hecta thuộc 22 hộ. Nơi đây vốn được bà con trồng bắp và mì nhưng do thiếu sự đầu tư, chăm sóc nên năng suất đạt rất thấp. thu nhập mang lại không đáng kể. Chính vì vậy mà cuộc sống của bà con luôn trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn. Với quyết tâm giúp bà con từng bước thoát khỏi sự đói nghèo, niên vụ mía 2016-2017, huyện Đăk Pơ đã vận động người dân mạnh dạn phá bờ lô bờ thửa, phát triển cánh đồng mẫu lớn. Đến nay sau hơn 9 tháng thực hiện, năng suất năm nay ước đạt 100 tấn/ha.

Ông Nguyễn Hữu Phước, PGĐ Nhà máy đường An Khê đánh giá: “ Hiện nay mía chỉ mới được 9 tháng nhưng phát triển như vậy là rất đạt, năng suất phải trên 100 tấn/ha. So với trước đây bà con trồng mì, trồng bắp, bây giờ chuyển sang trồng mía như vậy thì thấy hiệu quả hơn nhiều. Năm nay tuy giá mía có giảm nhưng với năng suất đạt như hiện nay thì mỗi hecta vẫn có lãi 30-40 triệu đồng/ha. Nhà máy sẽ tính toán lịch thu mua sao cho hợp lý”.

Cũng như các huyện, thị phía Đông của tỉnh Gia Lai, huyện Đăk Pơ cũng xác định mía là một trong những cây trồng chủ lực, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Những năm qua song song với việc phát triển ổn định vùng nguyên liệu, còn đẩy mạnh cơ giới hóa, xây dựng cánh đồng lớn. Đặc biệt từ thành công của mô hình cánh đồng mía lớn ở làng Bút, xã An Thành, huyện cũng  đã có kế hoạch nhân rộng trong thời gian tới.

Ông Huỳnh Văn Hơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Pơ cho biết: “Xác định cây mía là cây trồng chủ lực của địa phương, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Hiện nay huyện cũng đang giao cho các xã tiến hành khảo sát, những vùng nào có thể phát triển được cánh đồng mía lớn huyện sẽ vận động bà con mạnh dạn chuyển đổi, đồng thời phối hợp với Nhà máy đường An Khê xây dựng các mô hình mía sạch nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Dự báo năm 2018 là năm khó khăn của ngành mía đường Việt Nam khi chính thức hội nhập mậu dịch tự do AFTA có hiệp định thương mại hàng hóa ATIGA với thuế xuất nhập khẩu 5%. Theo đó ngành đường bị cạnh tranh lớn với các nước trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan. Đối phó với những khó khăn đang đặt ra trước mắt, đẩy mạnh cơ giới hóa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn được xem là giải pháp để ổn định sản xuất mía đường trong xu thế hội nhập và phát triển với sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Hồng Uyên; Thanh Sáng


Lượt xem: 79

Trả lời