Hội thảo khoa học quốc tế “Thời đại đá cũ ở Việt Nam trong bối cảnh khu vực”

Cập nhật 31/10/2016, 14:10:25

Sáng nay (31/10), tại thành phố Pleiku, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “ Thời đại đá cũ ở Việt Nam trong bối cảnh khu vực”. Dự Hội thảo về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Dương Văn Trang – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Nữ Thu Hà – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ayun H’Bút –Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.Hội thảo còn có sự tham dự của Giáo sư ,Tiến sĩ Phạm Văn Đức – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Giáo sư , Viện sĩ Anatoly Derevianko – Viện trưởng Viện Khảo cổ – Dân tộc học  No –vo-si-birsk thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Cộng hòa Liên Bang Nga; 120 đại biểu, nhà khoa học trong nước và quốc tế, cùng đại diện các sở, ngành, địa phương trong và ngoài tỉnh.

30-10-hoithao

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giáo sư , Tiến sĩ Phạm Văn Đức – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Hội thảo lần này là kết quả của một chương trình nghiên cứu được thực hiện nhiều năm giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Bang Nga và UBND tỉnh Gia Lai. Việc phát hiện, khai quật và nghiên cứu nhóm di tích thời đại đá cũ ở An Khê (Gia Lai) có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Cụ thể, các cuộc khai quật trong các năm 2015 – 2016 tại các địa điểm Gò Đá, Rộc Tưng (An Khê) đã phát hiện được nhiều công cụ ghè đẽo thô sơ, đặc biệt với các rìu tay điển hình và các mảnh Tectit trong tầng văn hóa ổn định, với niên đại bước đầu tạm được xác định trong khoảng 77 – 80 vạn năm. Kết quả các cuộc khai quật ở đây cho dù mới là những kết luận sơ bộ ban đầu, còn cần thêm những kiểm chứng qua việc phân tích bằng các phương pháp khoa học khác nhưng đã ghi nhận sự xuất hiện một giai đoạn sơ kỳ đá cũ ở Việt Nam, ghi nhận sự xuất hiện của con người thời tối cổ, người Vượn đứng thẳng, tổ tiên trực tiếp của con người hiện đại trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Từ những kết quả này cho thấy tiềm năng to lớn về khảo cổ học ở Tây Nguyên.

Tại Hội thảo, nhiều báo cáo và tham luận của các nhà khoa học cũng đã giới thiệu đến đại biểu về kết quả khảo cổ học Thời đại đá cũ ở các địa phương trong nước và khu vực. Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: Hy vọng rằng những phát hiện mới , độc đáo từ Gò Đá, Rộc Tưng (An Khê, Gia Lai) và thành công của Hội thảo hôm nay sẽ tiếp tục mở ra những nhận thức mới về khảo cổ học, về văn hóa – lịch sử của địa phương cũng như toàn khu vực Đông Nam Á./.

Bích Thủy, Huy Toàn


Lượt xem: 74

Trả lời