Hội thảo công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình”

Cập nhật 20/11/2017, 08:11:19

Sáng ngày 18/11, tại thành phố Pleiku, Ủy ban Dân tộc phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo “Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình”. Tham dự hội thảo có các đồng chí: Ngô Đông Hải, UV dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế TƯ; Nông Quốc Tuấn- Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Phạm Lương Sơn- Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam. Các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Huỳnh Nữ Thu Hà- UV BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các đại biểu là người có uy tín, già làng, trưởng thôn các tỉnh Tây Nguyên.

5 năm qua, công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện hàng năm của khu vực này cao hơn so với tỷ lệ bình quân của cả nước. 9 tháng đầu năm 2017, số người tham gia BHXH tự nguyện là trên 6.500 người, tăng 17,2% so với năm 2016. Tính đến ngày 30/9/2017, tỷ lệ bao phủ BHYT của 5 tỉnh Tây Nguyên là 82,6% so với dân số khu vực, vượt 1,4% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Cùng với các tỉnh Đăk Lăk, Kon Tum, Gia Lai là địa phương đạt các tỷ lệ tốt về BHXH, BHYT. Năm 2017, tỷ lệ người tham gia BHXH của tỉnh chiếm 9,62%, tham gia BHYT chiếm 88% dân số.

Tuy nhiên, với đặc thù của khu vực miền núi với điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn, có đông đồng bào dân tộc số với tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao nên công tác phát triển đối tượng và triển khai BHXH, BHYT khu vực Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, chỉ số tham gia BHXH, BHYT của khu vực này đều thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Đa số người dân ở vùng Tây Nguyên, nhất là đồng bào DTTS vẫn chưa sẵn sàng tham gia BHXH tự nguyện và sử dụng BHYT. Đây cũng là nội dung trọng tâm được hội thảo tập trung phân tích, thảo luận và xây dựng các giải pháp nhằm tháo gỡ. Theo đó, thông qua các báo cáo khoa học, tham luận của các cấp, ngành, các địa phương, hội thảo đã ghi nhận nhiều giải pháp cũng như đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình trong thời gian tới như: tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức linh hoạt, tăng cường trách nhiệm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các địa phương và đưa chỉ số phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình vào chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội năm 2018 của địa phương; Ngành BHXH đẩy mạnh mở rộng hệ thống Đại lý thu BHXH, BHYT, tập trung hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT; Tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT… Đặc biệt, Hội thảo còn nhấn mạnh vai trò của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín tại cộng đồng, xem đây là nhân tố quan trọng để chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đi vào cuộc sống đồng bào DTTS.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà, UV BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh, hội thảo là dịp để đánh giá, chia sẻ những  vướng mắc, khó khăn, những kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Đồng chí đề nghị BHXH tỉnh Gia Lai, các sở, ngành, đơn vị của tỉnh tranh thủ tiếp thu, vận dụng để thực hiện qua đó góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT và thực hiện tốt mục tiêu an sinh xã hội tại địa phương./.

Ngô Thanh, Huy Toàn


Lượt xem: 86

Trả lời