Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải.

Cập nhật 13/7/2020, 17:07:49

Sáng 13/7, Ban Dân vận Trung ương, phối hợp với Đảng  đoàn  MTTQVN, Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao và Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đồng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải cơ sở”. Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Trương Thị Mai-Ủy viên Bộ Chính trị- Bí thư Trung ương Đảng-Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Trần Thanh Mẫn –Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN; Nguyễn Hòa Bình –  Bí thư Trung ương Đảng-Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Vũ Đức Đam- Phó Thủ Tướng Chính phủ; Lê Thành Long – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp. Tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Thanh Hùng-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, cùng đại diện Cấp ủy Đảng, Ban Dân vận và phòng Tư pháp các huyện, thành phố.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Bộ Tư pháp, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao báo cáo về kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; vai trò nòng cốt của MTTQ trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; công tác dân vận trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa. Theo đó, kết quả hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở đạt hiệu quả cao. Trong 6 năm (từ năm 2014-2019) các tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải hơn 875.300 vụ, việc; hòa giải thành  hơn 707.900 vụ, việc (đạt tỷ lệ hơn 80%). Đối với tỉnh Gia Lai, công tác dân vận  trong trong hoạt động hòa giải, từ năm 2014 đến 2020 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp uỷ Đảng đã tập trung  quan tâm chỉ đạo công tác dân vận, hoạt động hòa giải cơ sở. Công tác theo dõi, nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng, nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân được thực hiện thường xuyên và kịp thời. Công tác dân vận của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, lực lượng vũ trang triển khai có hiệu quả. Đến nay toàn tỉnh đã có hơn 1.600 tổ hoà giải, với trên 9.700 hòa giải viên. Trong 6 năm qua, đã tiếp nhận  hơn 13.600 vụ việc, đã hòa giải thành hơn 11.700 vụ việc, đạt tỷ lệ hơn 86%…

Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã  đề nghị các cấp, các ngành cần thực hiện tốt những giải pháp sau: Xác định hòa giải ở cơ sở là một hình thức phổ biến pháp luật trực tiếp, thực sự có hiệu quả tại cơ sở. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm hơn nữa về công tác hòa giải ở cơ sở; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác hòa giải ở cơ sở. Đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở, nhất là nguồn nhân lực có kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật trong giải quyết tranh chấp như đội ngũ luật sư, luật gia, cán bộ công chức đã từng công tác trong lĩnh vực pháp luật. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” được ban hành theo Quyết định số 428 của Thủ tướng Chính phủ./.

Xuân Duẩn, Xuân Huy


Lượt xem: 28

Trả lời