Hội nghị tham gia ý kiến xây dựng chương trình giáo dục địa phương

Cập nhật 08/6/2021, 16:06:49

Sáng nay (8/6), đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch – Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị tham gia ý kiến xây dựng chương trình giáo dục địa phương. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh cùng các nhà giáo, nhà khoa học và chuyên gia về lĩnh vực văn hoá, giáo dục.

Căn cứ vào văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Ban biên soạn và Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Gia Lai trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, từ tháng 2/2020 Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tập huấn, xác định khung tài liệu, xây dựng chương trình giáo dục địa phương  ở 3 cấp học theo Quyết định số 472, 473 của UBND tỉnh.

Theo đó, đối với khung chương trình tài liệu giáo dục địa phương cấp tiểu học được xây dựng 32 tiết/lớp/năm học với 8 mạch kiến thức tương ứng 8 chủ đề/năm học/khối lớp; Khối THCS là 35 tiết/lớp/năm, nội dung kiến thức gồm 6 lĩnh vực: Văn hoá, xã hội, lịch sử, địa lý, kinh tế, môi trường; riêng lớp 8 và lớp 9 có thêm lĩnh vực hướng nghiệp. Ở cấp THPT cũng được tính 35 tiết/ lớp/năm học, nội dung kiến thức gồm 8 lĩnh vực, ngoài 7 lĩnh vực như cấp THCS thì khối THPT còn có thêm lĩnh vực Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng việc xây dựng chương trình giáo dục địa phương là thật sự cần thiết. Gia Lai là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên có 44 dân tộc sinh sống, nhưng dân tộc làm nên bản sắc văn hóa, lịch sử của Gia Lai đó chính là người dân tộc Jarai, Bana và dân tộc Kinh. Còn một số dân tộc khác hầu như đến Gia Lai sinh sống từ sau năm 1975. Vì vậy, việc xây dựng chương trình giáo dục địa phương lần này phần lớn mang dấu ấn văn hoá dân tộc của người dân tộc bản địa là Jarai và Bana. Trên cơ sở mạch kiến thức được Bộ GD&ĐT quy định, Sở GD&ĐT Gia Lai sẽ xây dựng từng chủ đề, đồng thời yêu cầu mỗi chủ đề trong quá trình triển khai phải phù hợp với năng lực của học sinh.

Mục đích cuối cùng của Hội nghị tham gia ý kiến chương trình giáo dục địa phương không chỉ được áp dụng vào chương trình dạy học ở từng khối lớp trong thời gian tới, mà đảm bảo đây còn là một bộ tài liệu đặc trưng của tỉnh Gia Lai nhưng vẫn đảm bảo lộ trình thay đổi căn bản, toàn diện Chương trình giáo dục phổ thông theoThông tư số 31 của Bộ GD&ĐT./.

Lệ Xuân – Duy Linh


Lượt xem: 4

Trả lời