Hỗ trợ sản xuất giúp giảm nghèo bền vững

Cập nhật 04/1/2024, 16:01:07

Để thực hiện mục tiêu giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo, thời gian qua, nhiều chính sách, chương trình đã được Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp triển khai thực hiện đến từng hộ nghèo theo hướng đa chiều, đa lĩnh vực. Trong đó, các chính sách hỗ trợ về sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp được xem là giải pháp căn bản, cần thiết nhất để các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai có điều kiện phát huy nội lực, từng bước giảm nghèo bền vững.

Từ nguồn vốn sự nghiệp của chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, thuộc dự án 2, dự án 3- tiểu dự án 1 là hơn 1,4 tỷ đồng, năm 2022, huyện Ia Grai phân bổ 13 xã, thị trấn thực hiện 27 mô hình. Các dự án thuộc nội dung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2023, nguồn vốn cho các chương trình này là 3.595 triệu đồng tiếp tục đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện để phát triển đời sống.

Ông Đào Lân Hưng – Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai trao đổi: “Chúng tôi không chỉ phát huy nhân rộng các mô hình giảm nghèo từ chương trình dự án thuộc Chương trình MTQG mà còn huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cho công tác giảm nghèo, hỗ trợ giảm nghèo trong Nhân dân. Tạo được phong trào, sự lan tỏa sâu rộng và giúp thay đổi ý thức thoát nghèo từ một bộ phận người dân. Các mô hình khi tiến hành nhân rộng đều phải xem xét mức độn phù hợp, điều kiện nhân rộng, phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất, cơ cấu cây trồng vật nuôi tại địa phương để có thể phát huy hiệu quả lâu dài.”

Từ nguồn vốn chương trình Giảm nghèo bền vững, từ năm 2020 đến năm 2023, Gia Lai được bố trí nguồn vốn hơn 11,7 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trong nhân dân. Năm 2023 nguồn vốn tương đối lớn đã phân bổ đến các địa phương, xây dựng các phương án, mô hình hiệu quả để phát triển sản xuất cho hộ dân, hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng theo nhu cầu, phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương.

Ông Dương Mạnh Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho biết: “Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 thì  giờ này đã triển khai với các mô hình giảm nghèo đảm bảo được hiệu quả tốt. Mà hỗ trợ cho bà con về phương tiện sản xuất, vật nuôi, cây trồng. Như mô hình đàn bò, đàn dê. Cùng với các nguồn vốn xã hội hóa, đã giúp huyện thực hiện đạt các chỉ tiêu về giảm nghèo.”

Nhờ phát huy được hiệu quả các mô hình hỗ trợ, đã góp phần rất lớn trong giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022-2025. Cuối năm 2023, Gia Lai giảm tỷ lệ nghèo đa chiều còn 17,3% (tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đa chiều). Trong đó, hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 8,11%, hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn 17%. Tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh giảm còn 9,2%.

Bà Ksor H’Đun – Làng Glung Mơ Lan, xã Ia AKe, huyện Phú Thiện bày tỏ: “Cảm ơn Nhà nước đã giúp đỡ mình nhiều lắm. Mình được hỗ trợ dê, bò để chăm nuôi, phát triển kinh tế. Mình năm nay thoát được nghèo rồi, mừng lắm.”

Anh Rơ Chăm Ong – Làng Ngai Yố, xã Ia Bă, huyện Ia Grai bày tỏ: “Mình được giúp đỡ xây nhà ở, được hỗ trợ bò giống, cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều. Gia đình sẽ cố gắng lao động sản xuất, phát triển thêm đàn bò. Năm nay mình thoát được diện hộ nghèo rồi.”

Hỗ trợ sản xuất với nguồn vốn lớn, phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế địa phương chính là nguồn lực giúp cho hộ nghèo có được sinh kế, ổn định cuộc sống. Cùng với nỗ lực của người dân trong ý thức tự mình phát huy nguồn lực hỗ trợ, phương tiện sản xuất, sẽ là nền tảng để đời sống người dân thoát nghèo bền vững, không tái nghèo.

Minh Lý – Thanh Sáng – Minh Trung


Lượt xem: 24

Trả lời