Hỗ trợ nuôi dưỡng tại gia đình: Chia sẻ khó khăn với gia đình nạn nhân chất độc da cam

Cập nhật 02/3/2023, 16:03:07

Chiến tranh đã lùi xa mấy mươi năm nhưng “nỗi đau da cam” vẫn còn dai dẳng trong nhiều gia đình, nhất là những gia đình có thế hệ thứ 2, thứ 3 bị nhiễm chất độc da cam. Để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, ngoài việc thực hiện tốt chế độ bảo trợ xã hội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Gia Lai nói chung và huyện Chư Sê nói riêng đã tích cực vận động các tổ chức, nhà hảo tâm thực hiện nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa nhằm giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với gia đình nạn nhân. Đặc biệt, Huyện hội Chư Sê là đơn vị thực hiện chương trình hỗ trợ chăm sóc nuôi dưỡng nhiều nạn nhân da cam tại gia đình nhất tỉnh, qua đó chung tay giúp họ vơi bớt khó khăn.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hạnh ở làng Dơ Nông, xã Kông Htok, huyện Chư Sê sinh được 4 người con, trong đó 2 con là nạn nhân chất độc da cam. 2 con của chị là thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng chất độc da cam nên sức khỏe và thể trạng phát triển chậm, việc sinh hoạt đều nhờ vào các thành viên trong gia đình. Chia sẻ khó khăn với gia đình chị Hạnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Sê đã hỗ trợ gia đình chị 2 con bò và giống gà, vịt để chăn nuôi. Chị đã trồng cỏ trong vườn để chăn nuôi bò, đến nay 2 bò mẹ đã sinh sản được 4 con. Đồng thời, Hội vận động nhà hảo tâm hỗ trợ nuôi dưỡng thường xuyên cho 1 cháu là con của chị với mức 5 triệu đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Hạnh – Làng Dơ Nông, xã Kông Htok, huyện Chư Sê chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 đứa nhiễm chất độc màu da cam, lâu nay cũng khó khăn lắm, nhờ bên Hội Nạn nhân chất độc da cam hỗ trợ, từ đó tạo điều  kiện cho gia đình làm ăn. Cũng chịu cực, chịu khổ từ đó đến nay vươn lên, tạm thời lo cho các con.”

Các đối tượng được Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Chư Sê hỗ trợ nuôi dưỡng là các nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 2, thế hệ thứ 3 và cả thứ 4 bị dị dạng, dị tật bẩm sinh đặc biệt nặng, không tự sinh hoạt được phải có người chăm sóc hàng ngày. Đặc biệt, Huyện hội quan tâm đến các nạn nhân là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn của huyện.

Bà Rơ Mah Lit – Xã Hbông, huyện Chư Sê bày tỏ: “Gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn, chồng đã mất, con là nạn nhân chất độc da cam. Hội hỗ trợ con bò để nuôi và hỗ trợ 1 năm 5 triệu đồng để thêm tiền mua thuốc cho cháu. Gia đình cảm ơn Hội đã giúp đỡ để có điều kiện vươn lên.”

Trên địa bàn huyện Chư Sê hiện có gần 200 em nhỏ là thế hệ thứ 2, thế hệ thứ 3 và cả thứ 4 bị dị dạng, dị tật bẩm sinh đặc biệt nặng. Từ những nguồn hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức, nhà hào tâm trong và ngoài nước, đến nay Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện đã nuôi dưỡng 135 em, với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/năm/em và thời gian nuôi dưỡng từ 2 năm đến 7 năm. Phát huy những kết quả đạt được, Hội đang tiếp tục kêu gọi, vận động để hỗ trợ nuôi dưỡng cho khoảng 65 trường hợp còn lại.

Ông Nguyễn Xuân Thủy – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Chư Sê thông tin: “Sắp tới đây chúng tôi tiếp tục mở rộng mối quan hệ, hiện nay chúng tôi đang có mối quan hệ với tổ chức Vned của Cộng hòa Pháp, Give Asia Việt Nam, “Những đứa trẻ của tôi tại TP. Hồ Chí Minh”, tổ chức ở Thụy Sĩ, chúng tôi đang có những kết nối ban đầu///để các em khuyết tật nặng trên địa bàn huyện trong nhiệm kì tới được hỗ trợ kể cả Nhà nước và các tổ chức Hội.”

Với những nỗ lực của các cấp Hội cũng như sự chung tay của các đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm đã phần nào chia sẻ khó khăn với các nạn nhân chất độc da cam. Qua đó, tiếp thêm động lực để các nạn nhân cùng gia đình vượt khó vươn lên và đồng hành cùng địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Thúy Diện – Minh Trung


Lượt xem: 14

Trả lời